24 tháng 11, 2011

Mức lương "không đủ sống" của EVN là cao hay thấp?

Thứ Năm, 24/11/2011 | 18:57 GMT+7
(VN News Plus) - Con số 7,3 triệu đồng/tháng lương bình quân của cán bộ nhân viên EVN năm 2009, mức mà lãnh đạo tập đoàn lỗ triền miên này gọi là không đủ sống nếu ở Hà Nội, đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều tại Quốc hội.
>> Ngành điện kêu không lãi mà vẫn trả lương cao
>> Ngành điện lỗ vì... điện, ngành xăng dầu lỗ vì... xăng dầu!
Trước câu hỏi của các đại biểu về quan điểm của các Bộ trưởng trước mức lương bình quân 7,3 triệu đồng/tháng mà lãnh đạo EVN than thở là "đau lòng" và "không đủ sống nếu ở Hà Nội", Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng khó có thể nói con số này là cao hay thấp.

Các đại biểu cho rằng trả lương cao trong khi kinh doanh thua lỗ là khó chấp nhận (Ảnh minh họa)
"EVN là doanh nghiệp nhà nước, theo quy dịnh thì lương do Bộ LĐ-TB&XH quy định, hướng dẫn chứ ko phải EVN tự quyết định. Năm 2010 quyết định của Bộ quy định, với viên chức công ty mẹ đơn giá sản xuất kinh doanh điện là 5.434 đồng/kw/h. Nếu bán vượt 120% vẫn giữ đơn giá đó, nếu vượt 150% thì phần vượt sẽ được tính bằng 50% đơn giá. Đối với công ty thành viên, tập đoàn xây dựng phương án tiền lương báo cáo Bộ và Bộ Tài chính", Bộ trưởng Hoàng nói.
Theo ông Hoàng, mức lương này thấp hay cao cần được đánh giá trên 3 yếu tố: mức bình quân lương cả nước, đặc thù công việc của lĩnh vực kinh doanh và mặt bằng so với các doanh nghiệp nhà nước khác.
"Nói một cách đơn lẻ thì không thể khẳng định được mức này là thấp hay cao. Có lẽ lãnh đạo EVN nên phân tích điều đó", ông Hoàng nói, kèm theo giải thích phụ cấp ngành điện thuộc nhóm 5 là nhóm cao nhất dành cho những công việc có độ nguy hiểm cao như sửa chữa nóng, phụ cấp thu hút vùng sâu vùng xa... Trong 7,3 triệu đồng đó có 25% phụ cấp, nên lương ròng thực ra chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chưa làm một số đại biểu thỏa mãn. "Lương cao thì tốt, nhưng lương cao mà lỗ thì chúng tôi không đồng tình", đại biểu Vũ Thị Nga khẳng định. Một số đại biểu cũng cho rằng, nếu đưa ra nhiều tiêu chí để xem xét mức lương thì hiệu quả kinh doanh cũng là một tiêu chí.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cũng bày tỏ: "Tôi đồng ý với Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền: lương phải phù hợp với hiệu quả kinh doanh". Cũng theo ông Huệ, việc cao hay thấp không quan trọng bằng việc mức lương này có đúng với chính sách chung của nhà nước hay không.
Hồng Kỹ

22 tháng 11, 2011

Làm rõ việc EVN thua lỗ

Thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam năm 2010 lỗ 10.162 tỉ đồng, chờ được hạch toán vào giá điện đang gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, đã có ý kiến quanh vấn đề này
Thưa ông, ông đánh giá thế nào về con số lỗ 10.162 tỉ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong năm 2010 mà Bộ Công Thương vừa công bố?

Khi công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, tôi thấy nói đến nhiều nguyên nhân khách quan nhưng cá nhân tôi lại thấy rằng hoạt động thua lỗ của EVN có nguyên nhân từ việc đầu tư ra ngoài ngành quá nhiều, phân tán vốn, không tập trung vào nhiệm vụ chính.

Có ba vấn đề cần lưu ý. Thứ nhất, EVN kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, từ viễn thông tới bất động sản… để phân tán nguồn lực. Đó là điều tôi cho rằng cần phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.

Thứ hai, phải minh bạch trách nhiệm của EVN trong các khoản đầu tư ngoài ngành. Nếu thuần túy là kinh doanh gây lỗ thì phải xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo trong việc quyết định đầu tư.

Thứ ba, cơ sở tăng giá điện phải minh bạch, làm rõ giá thành sản xuất, kinh doanh điện. Trong đó có nỗ lực của EVN về việc chống thất thoát điện như thế nào.

Phải làm rõ như vậy để có cơ sở đòi hỏi trách nhiệm, không đơn giản là EVN cứ nói thế nào, tin thế ấy rồi cho tăng giá điện. Câu chuyện lỗ lãi, minh bạch giá thành và tăng giá điện hiện nay rất bức xúc.

Dư luận đang đặt câu hỏi liệu EVN đã đầu tư đúng mức cho lĩnh vực
chính của mình là cung ứng điện?

Bộ CôngThương cho biết số lỗ của EVN sẽ được phân bổ dần vào giá điện. Hạch toán như vậy có hợp lý không, thưa ông?

Nếu thực sự khoản lỗ đó chỉ duy nhất do hoạt động sản xuất, kinh doanh điện tạo ra thì về cơ chế, phải phân bổ vào giá thành là đúng. Nhưng không thể phân bổ một lúc mà phải có nhiều thời gian để không gây áp lực lên giá điện. Đó là về nguyên tắc.

Với trường hợp của EVN, tôi nhắc lại rằng còn nhiều vấn đề liên quan khác cần làm rõ. Ngay trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện còn có các vấn đề chống thất thoát điện năng. Tại sao EVN có tiền đầu tư các lĩnh vực khác nhưng lại không có tiền đầu tư để làm giảm thất thoát điện, đầu tư nguồn điện, lưới điện…? Những người lãnh đạo của EVN phải chịu trách nhiệm trong cả quá trình đầu tư đó chứ không phải EVN đi làm viễn thông để bây giờ thua lỗ, phải chuyển nhượng mà chúng ta vẫn chấp nhận cho phân bổ lỗ vào giá thành. Tôi cho rằng trước mắt, khoản lỗ này phải khoanh lại và làm rõ tất cả thì mới cho phân bổ.

Như ông đã nói, thua lỗ của EVN có nguyên nhân từ năng lực bộ máy điều hành nhưng bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ cơ chế thí điểm hoạt động đầu tư đa ngành, đa sở hữu của tập đoàn kinh tế Nhà nước?

Đã 4 năm nay, tôi liên tục đề nghị phải có luật riêng về vấn đề đầu tư, kinh doanh vốn Nhà nước. Hiện nay, thiếu luật này nên không ai quản lý được. Trên thế giới, không chỉ riêng Việt Nam có doanh nghiệp Nhà nước. Khu vực kinh tế Nhà nước của ta chiếm 28%-29% GDP, nước Pháp có thời điểm doanh nghiệp nhà nước của họ chiếm hơn 50% GDP, tại sao ta không học hỏi họ nghiên cứu xây dựng luật mà cứ kéo dài thí điểm? Như vậy không ổn.
Tự giải quyết khoản lỗ
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết nếu việc đưa hơn 10.000 tỉ đồng lỗ vào giá thành của EVN là có thật thì Thường vụ Quốc hội phải xem tại sao đưa, đưa vào đâu, cách đưa thế nào. Hiện giá điện đang được Nhà nước hỗ trợ, còn nếu điều tiết theo đúng quy luật cung cầu thì không thể có chuyện áp lỗ vào giá thành để người dân phải trả giá điện cao.
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng việc EVN đưa vào khoản lỗ hơn 10.000 tỉ đồng phải kiểm tra lại và dứt khoát những chi phí không liên quan đến việc phát điện mà trước đó chưa tính hết thì phải tính vào. Đồng thời, cơ quan kiểm toán cần lưu ý khi tính toán giá thành điện những chi phí không phục vụ sản xuất điện phải triệt để loại ra ngoài như các khoản đầu tư ngoài.
T.Dũng
Theo Tô Hà

“7 kỳ quan thiên nhiên mới” vướng tranh cãi tiền phí hàng triệu đô

Thứ Ba, 22/11/2011 | 13:40 GMT+7
(VN News Plus) - Các nhà tổ chức của cuộc bầu chọn “7 kỳ quan thiên nhiên mới” hiện đang vướng vào cuộc tranh cãi liên quan các loại phí được cho là “bất ngờ”, lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đô la Mỹ.
Maldives tuyên bố rút lui khỏi "7 kỳ quan thiên nhiên mới" do không trang trải được số phí New7Wonders đưa ra.
Được phát động vào năm 2007, dự án bầu chọn “7 kỳ quan thiên nhiên mới”, là “con đẻ” của Bernard Weber, một chuyên gia marketing Canada-Thụy Sỹ. Tổng cộng 440 hình ảnh về các kỳ quan tự nhiên ở 220 quốc gia đã được gửi đến, và sau đó danh sách được chọn lọc bởi một nhóm do giáo sư Federico Zaragoza, người từng đứng đầu tổ chức UNESCO, dẫn đầu.
Nhưng sau khi phải trả khoản phí đăng ký 199USD, mỗi nước sau đó được yêu cầu tham gia vào một chiến dịch marketing toàn cầu nổi bật, trong đó có chuyến “World Tour” (Vòng quanh thế giới).
Maldives và Indonesia đã rút khỏi cuộc đua bình chọn 7 kỳ quan thiên nhiên mới của tổ chức New7Wonders và cáo buộc các nhà tổ chức của New7Wonders đòi hỏi một loạt các loại phí đầy “bất ngờ” lên tới 1 triệu USD, mặc dù họ đã đóng phí đăng ký 199USD, tờ The Guardian của Anh đưa tin.
Tuy nhiên, người phát ngôn của New7Wonders Foundation, Eamonn Fitzgerald, khẳng định những cáo buộc trên là vô căn cứ. Ông Fitzgerald cũng chỉ cho người đọc tới thông tin mà ông đã viết trên “Minivan News” của Maldives, rằng New7Wonders “bị vướng vào vấn đề chính trị của hai nước”.
Trong khi đó, cáo buộc đối với New7Wonders Foundation của Maldives bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 5 vừa qua, sau khi Bộ trưởng Du lịch của nước này, Thoyyib Mohamed, tuyên bố Maldives sẽ rút khỏi cuộc đua bình chọn “bởi những yêu cầu bất ngờ về những khoản tiền rất lớn của các nhà tổ chức New7Wonders”.
Maldives tham gia vào cuộc bình chọn của New7Wonders vào đầu năm 2009 và đã đóng phí tham gia 199USD. Tuy nhiên, theo họ, chi tiết về các sáng kiến chung và phí phát sinh đã không được nêu rõ trước khi ký. Tổng cộng, những khoản phí phát sinh đó lên tới hàng triệu đô la Mỹ.
Những khoản tiền Maldives cho biết bị yêu cầu đóng bao gồm:
1. Phí đăng ký tài trợ bạch kim 350.000USD
2. Hai loại phí đăng ký tài trợ vàng, mỗi loại 210.000USD
3. Phí cho sự kiện “World Tour”, mà Maldives phải trả các chi phí ăn ở, đi lại.. cho phái đoàn tới thăm nước này
4.. Phí đăng ký cho một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông quốc gia tham gia chiến dịch New7Wonders: 1 triệu USD, nhưng sau đó giảm xuống 500.000USD
5. Phí đăng ký cho một hãng hàng không Maldives để gắn logo trên máy bay: 1 triệu USD.
Maldives cũng nhấn mạnh một thông cáo báo chí của UNESCO ngày 9/7/2007 rằng: “Mặc dù UNESCO đã nhiều lần được mời ủng hộ cho dự án này (cuộc bình chọn “7 kỳ quan thế giới mới” trước đó, cũng do New7Wonders tổ chức), nhưng UNESCO quyết định không cộng tác”.
Vài tháng sau đó, chính phủ Indonesia cũng rút khỏi cuộc bình chọn cho Công viên quốc gia Komodo của họ và đặt nghi vấn về mức độ tin cậy của các nhà tổ chức, tờ The Jakarta Post đưa tin.
Hãng tin Indonesia cho biết bất đồng bắt nguồn từ tuyên bố trước đó của New7Wonders rằng Công viên quốc gia Komodo có thể bị bỏ khỏi danh sách cuối cùng sau khi “chính phủ từ chối trả một khoản phí đăng ký 10 triệu USD và phí công bố giải thưởng 35 triệu USD để tổ chức lễ công bố những kỳ quan giành chiến thắng”.
Luật sư đại diện cho Bộ Du lịch Indonesia còn cho biết đang xem xét kiện New7Wonders. “Chúng tôi muốn cho họ một bài học rằng khi một tổ chức thu hút được sự chú ý của toàn thế giới, họ cần phải công bằng với tất cả các bên tham gia”, luật sư đại diện cho hay.
Mặc dù từ chối đóng phí và tuyên bố rút lui, hai nước trên vẫn có tên trong cuộc bình chọn, và Công viên quốc gia Komodo của Indonesia đã lọt vào danh sách tạm công bố của 7 kỳ quan thiên nhiên mới hôm 11/11 vừa qua.
Một số nước cũng ủng hộ tích cực cho cuộc bầu chọn này của New7Wonders nhằm quảng bá, thúc đẩy du lịch. Tổng thống Philippines Aquino cũng đích thân tham gia vận động cho Sông ngầm Puerto Princesa của nước này và kỳ quan cũng lọt vào 7 kỳ quan thiên nhiên mới được công bố hôm 11/11.
Phan Anh
Tổng hợp

16 tháng 11, 2011

Thượng tá Lê Đức Đoàn cứu sống thanh niên nhảy cầu Chương Dương tự tử

Thứ Năm, 17/11/2011 | 10:45 GMT+7
(VN News Plus) - Phát hiện nam thanh niên có ý định gieo mình xuống sông Hồng tự tử, các cán bộ đội Cảnh sát giao thông số 1 đã tổ chức lực lượng cứu hộ, nhanh chóng cứu sống được nạn nhân.
Thượng tá Lê Đức Đoàn cứu sống nạn nhân
(Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Sự việc trên xảy ra vào khoảng 17 giờ 30 phút chiều qua, 16/11 tại khu vực cầu Chương Dương, Hà Nội.

Thượng tá Lê Đức Đoàn, Đội Cảnh sát giao thông số 1, người trực tiếp tham gia cứu hộ cho hay, vào khoảng thời gian trên, trong khi đang làm nhiệm vụ tại đảo giao thông phía Bắc, anh nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về một thanh niên có ý định tự tử. Nam thanh niên này đã để lại chiếc xe máy mang biển kiểm soát 30Y5-7756 trên bờ và đứng ra sát thành cầu.

Mặc dù được sự can ngăn của người đi đường và lực lượng chức năng, nam thanh niên vẫn quyết tâm buông tay khỏi lan can và rơi thẳng xuống dòng nước xiết.

Ngay lập tức, thượng tá Đoàn gọi một chiếc thuyền cách vị trí chân cầu chừng 100m, đồng thời huy động nhiều dân chài tham gia cứu hộ. Sau một hồi tìm kiếm, cùng với các ngư dân, thượng tá Đoàn đã vớt được nạn nhân từ dưới sông Hồng lên bờ và làm hô hấp nhân tạo, lấy lại hơi thở cho nam thanh niên rồi đưa thẳng anh này vào cấp cứu tại bệnh viện Đức Giang.

Bước đầu, người phẫn chí tự tử được xác định là anh Nguyễn Bá Quyên, sinh năm 1985 tại Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội. Hiện, công an phường Bồ Đề, quận Long Biên đang hoàn tất hồ sơ xác minh nguyên nhân tự tử của Quyên.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Thượng tá Lê Đức Đoàn cứu hộ những người có ý định quyên sinh tại khu vực cầu Chương Dương. Trong năm 2011, Thượng tá Đoàn đã 4 lần tham gia cứu sống các nạn nhân trong tình huống tương tự./.

Đào Duy Tính

Chàng trai Việt ở Google

Thứ Năm, 17/11/2011 | 8:25 GMT+7
(VN News Plus) - Sinh năm 1988, Nguyễn Đặng Việt Anh vừa chính thức trở thành kỹ sư của Tập đoàn Google sau khi tốt nghiệp cao học tại Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
“Nhiệt huyết, tài năng vượt trội nhưng vẫn rất khiêm tốn, lễ phép... Việt Anh là đại diện của một thế hệ trẻ mà quốc gia nào cũng mong có được” - giáo sư Stephen Intille (Học viện Công nghệ Massachusetts - MIT, Hoa Kỳ) đã không tiếc lời khen chàng sinh viên Việt Anh.

Việt Anh (giơ tay) trình bày với Bill Gates dự án MyWalk do mình thiết kế.
Cú sốc... thi rớt
Luôn nghiêm túc và tự giác trong học tập, Việt Anh sớm được bố mẹ tin tưởng cho tự quyết trong mọi chuyện. “Không được phép chơi điện tử quá 11 giờ đêm” là nguyên tắc duy nhất mà gia đình giao kèo với Việt Anh.
“Nhưng có lần vào năm lớp 8, tôi đã ngồi mê mải trước máy tính tới gần sáng và bị bố phát hiện” - Việt Anh nhớ lại. Không rầy la hay đòn roi như nhiều phụ huynh khác, bố Việt Anh ngồi lắng nghe cậu con trai 14 tuổi say sưa giải thích về một loại game mà cậu đang làm.
Ngay trong tuần đó, Việt Anh được bố dắt đi học vi tính ở Cung Thiếu nhi Hà Nội. Càng học càng bị mê hoặc bởi những thuật toán, con số... Việt Anh liên tiếp đoạt nhiều giải thưởng tin học lớn suốt cấp II và thi đậu vào lớp chuyên tin Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Việt Anh vào đội tuyển, làm lớp trưởng...
Liên tục đoạt ba giải thưởng tin học trẻ không chuyên toàn quốc, Việt Anh là kỳ vọng của người thân, nhà trường trước mỗi kỳ thi. “Gánh nặng vô hình ấy khiến tôi thất bại trong cuộc thi tin học TP lớp 11. Điều này khiến mọi người ngỡ ngàng, còn tôi suy sụp” - Việt Anh nhớ lại.
Để khởi động lại mình, Việt Anh thuyết phục gia đình cho đi du học Mỹ theo diện trao đổi văn hóa vào cuối năm lớp 11. Trớ trêu thay, ngày hoàn thành thủ tục du học, Việt Anh và gia đình đều sửng sốt khi biết nơi mình được sắp xếp đến...
“Thử lửa” tại... Las Vegas!
Las Vegas - nơi ăn chơi bậc nhất nước Mỹ là nơi Việt Anh được gửi đến ăn học! “Nhiều người thân trêu rằng bố mẹ sắp mất tôi rồi” - Việt Anh kể.
Trái với sự lo lắng của gia đình, chỉ trong mười tháng Việt Anh đạt toàn điểm tuyệt đối A+ ở trường, điểm tuyệt đối 2400/2400 ở SAT II (kỳ thi quan trọng để xét vào đại học tại Mỹ) bất chấp rào cản ngoại ngữ. Dẫu vậy, ngày Việt Anh nộp đơn vào MIT, nhiều người thân lẫn ông bố nuôi người Mỹ vẫn lắc đầu: “Đừng trèo cao con ơi!”.
“Đó là một sáng cuối tuần, tôi đã run bần bật khi đọc được thư báo trúng tuyển từ MIT với học bổng trị giá 200.000 USD” - Việt Anh nhớ lại.
Việc học ở “chiếc nôi công nghệ của thế giới” không dễ dàng gì. Cũng có những lúc chán nản, ngủ gục ngay trong lớp vì không hiểu bài... nhưng Việt Anh không bi quan, tự động viên mình “vạn sự khởi đầu nan”. Khi biết trường có những dự án cần sinh viên hỗ trợ, Việt Anh liền đăng ký tham gia để tích lũy kinh nghiệm thực tế.
Nhờ kiến thức và kinh nghiệm làm việc vững chắc, Việt Anh được các tập đoàn IBM, Microsoft chọn vào thực tập ở vị trí lập trình viên ngay từ năm 2.
“Chào ông, tôi đến từ Việt Nam”
Đầu năm tư, khi đang thực tập ở Bắc Kinh (theo lời mời của giám đốc kỹ thuật Viện Nghiên cứu Microsoft châu Á), Việt Anh được giao phụ trách mảng áp dụng công nghệ di động để nâng cao sức khỏe người dân. Nhờ đó Việt Anh có cơ hội trình bày trực tiếp với Bill Gates về phần mềm khuyến khích hoạt động ăn uống hằng ngày MyWalk của mình.
Vừa thực tập vừa học vượt, Việt Anh tốt nghiệp bằng thạc sĩ khoa học máy tính sau năm năm học tại MIT. Vượt qua nhiều vòng kiểm tra, phỏng vấn rất gắt gao ở các tập đoàn công nghệ lớn, Việt Anh được nhận vào cùng lúc ở ba “ông trùm” Facebook, Google, Microsoft.
Chọn vị trí kỹ sư phần mềm về nền tảng di động Android tại trụ sở chính của Google ở Mountain View (Thung lũng Silicon, Hoa Kỳ), Việt Anh giải thích: “Đây là nơi tập trung nhiều người tài nhất thế giới, tôi rất cần cơ hội này để cọ xát, học hỏi thêm”.
“Tuy nhiên, điều khiến tôi tự hào nhất không phải những thành công trên mà chính là nguồn cội và cái tên Việt của mình. Dù gặp Bill Gates hay các quan chức cấp cao trong giới công nghệ, câu đầu tiên của tôi vẫn là: Xin chào, tôi tên Việt Anh và tôi đến từ Việt Nam” - Việt Anh kể trong buổi trò chuyện, chia sẻ bí quyết học và làm thành công với sinh viên ở TP.HCM vào tháng 10 qua.
H.S

Bắt giữ kẻ chiếm đoạt tiền tỷ của Văn phòng thường trú AP

Thứ Tư, 16/11/2011 | 16:00 GMT+7
(VN News Plus) - Ngày 16/11, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội cho biết đã bắt giữ Nguyễn Thị Vân Hương (SN 1973), nguyên nhân viên Văn phòng thường trú hãng thông tấn AP Hoa Kỳ tại Hà Nội (Văn phòng AP) theo quyết định truy nã về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Đối tượng Nguyễn Thị Vân Hương

Theo cơ quan CA, từ tháng 7/2007, Hương được Văn phòng AP ký hợp đồng tuyển dụng và được giao nhiệm vụ làm các công việc hành chính, viết phiếu trả lương, tính công tác phí cho nhân viên của văn phòng và làm thủ quỹ, kế toán giao dịch thanh toán các khoản tiền với ngân hàng.

Trong quá trình làm việc, Hương đã có nhiều hành vi gian dối để chiếm đoạt tiền. Mỗi lần lập phiếu đề nghị thanh toán, Hương ghi số tiền được chi rồi trình Trưởng văn phòng ký duyệt, đồng thời viết séc đúng với số tiền được duyệt trình Trưởng văn phòng ký séc để rút tiền tại ngân hàng.

Tuy nhiên, sau đó Hương đã tẩy xóa số tiền ghi trên séc rồi viết vào số tiền lớn hơn, giữ nguyên chữ ký của chủ tài khoản và đóng dấu Văn phòng AP để đến ngân hàng rút tiền.

Bằng thủ đoạn này, từ tháng 1/2008 đến tháng 6/2008, Hương đã lập 17 séc để rút trên 6,7 tỷ đồng trong tài khoản của Văn phòng AP tại ngân hàng, trong khi thực chất số tiền được duyệt cho là 83,8 triệu đồng. Hương đã trả vào tài khoản của Văn phòng AP trên 1,5 tỷ đồng, còn lại bỏ túi hơn 5,1 tỷ đồng.

Khi sự việc bị bại lộ, Hương đã bỏ trốn. Cơ quan CSĐT ra quyết định truy nã đối với đối tượng này. Vào cuối tháng 9-2011, CA phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đã bắt được Hương và bàn giao cho Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội xử lý theo thẩm quyền.

Để phục vụ việc điều tra, xử lý đối tượng, cơ quan CA đề nghị những bị hại của đối tượng liên hệ điều tra viên Nguyễn Hồng Quang, Đội 9 PC46 Công an Hà Nội để giải quyết. Địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 043.9396712.

Mai Việt Dũng

15 tháng 11, 2011

Từ nỗi đau của ông Võ Văn Kiệt

Thứ Ba, 15/11/2011 | 14:00 GMT+7

VN News Plus xin trân trọng giới thiệu bài viết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt của tác giả Huy Đức viết ngày 16/6/2008:

Đồng chí Võ Văn Kiệt trong lần triển khai Nghị quyết Trung ương Đảng tại vùng căn cứ U Minh. Ảnh do ông Châu Ngọc Tiếp, nguyên trưởng tiểu ban Điện ảnh miền Tây Nam Bộ cung cấp
Cuối năm 2004, khi nhắc đến cuộc chiến tranh đã lùi xa gần ba mươi năm, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”. Lúc đó, không phải ai cũng chia sẻ với ông suy nghĩ ấy. Nhưng, những ai biết những nỗi đau cá nhân mà ông Kiệt từng chịu đựng, mới thấy, đây không chỉ là ý kiến của một nhà chính trị, đây còn là sự sẻ chia rất con người.
Hôm qua, 15-6, ông đã “phục tùng tổ chức” để về yên nghỉ tại nghĩa trang thành phố. Trong thâm tâm, ông muốn tro của mình được rải xuống khúc sông mà hai người con và người vợ yêu quý nhất của ông đã mãi nằm lại đó.

Đầu năm 1966, khi người con trai út, Phan Chí Tâm, vừa được sanh ra ít lâu, vợ ông, bà Trần Kim Anh, muốn cho ông biết mặt con, đã bế Tâm và dắt theo cô con gái Phan Thị Ánh Hồng, sinh năm 1958, ra chiến khu thăm chồng. Từ Sài Gòn, bà Tư Cách, một cơ sở của ông dẫn bà Kim Anh đi theo đường sông, lên tới đoạn, bên này là Củ Chi, bên kia là Bến Cát thì chuyến tàu khách của họ bị ném bom. Họ chết mà chưa bao giờ tìm thấy xác.

Đầu năm nay, ông viết, “tôi có cảm giác như vợ và các con đang đợi tôi”. Bác sĩ riêng thời chiến tranh của ông, ông Huỳnh Hoài Nam, kể: “Trong suốt những năm ở trong rừng, ông luôn mang theo một tấm hình và hai bộ đồ của vợ”. Sau ngày 30.4, khi tình hình tạm ổn, ông đã tìm đến khúc sông ấy, đứng nhiều giờ để cố tìm xem, vợ và các con ông đang thực sự yên nghỉ ở đâu. Bác sĩ Nam nói: “Trên đường về, hàng giờ, ông không nói một lời nào cả”.

Sau khi nghe tin mẹ mất, con trai lớn của ông là Võ Dũng, sinh năm 1951, khi ấy đang cùng với em gái, Võ Hiếu Dân, sinh năm 1955, học ở Hà Nội, nằng nặc đòi được vào Nam. Trung ương có điện thoại cho ông. Ông đồng ý. Trong thâm tâm, ông cũng muốn có chút ruột rà máu mủ ở bên mình.

Võ Dũng là một thanh niên ngang bướng, làm lính cơ quan “Khu bộ” thì rất “ngứa chân, ngứa tay”. Dũng nói: “Con đâu phải vào đây để đào hầm cho ba”. Bác sĩ Nam tâm tình: “Dũng, em về đây làm gì?”. Dũng trả lời: “Chiến đấu”. “Em không thấy bọn anh cũng đang chiến đấu sao?”. “Có, nhưng cứ toàn chiến đấu trong xó không à”. Bác sĩ Nam đành phải nói lại với ông Kiệt. Ông đồng ý. Về đơn vị chiến đấu, Võ Dũng nhất quyết đòi phải được bổ vào bộ phận trinh sát. Sáu tháng sau, trong một lần trinh sát một đồn địch nằm trong vùng quê mẹ, Rạch Giá, Võ Dũng hy sinh. Năm ấy, anh chỉ mới vừa tròn 20 tuổi.

Không ai biết được ông đã chịu đựng mất mát ấy như thế nào. Trước ba quân, ông vẫn mạnh mẽ như không có chuyện gì. Nhưng, đêm về, bác sĩ Nam kể, thì nỗi cô độc không thể nào kể xiết. Ông lặng lẽ một mình, kêu bác sĩ Nam, “Cho tao ly chà và”, từ ông dùng để chỉ cà phê đen. Bác sĩ Nam nói: “Tôi đưa cà phê cho ông và biết, lại thêm một đêm ông không ngủ”.

Nhưng, theo bác sĩ Nam, “hình như trời đất vẫn còn ngó tới ông ấy”. Qua năm sau, 1972, Trung ương hội Phụ nữ điện vào báo cho ông là đã tìm được người con trai sinh năm 1952, Phan Thanh Nam. Đây là người con trai mà ông có được trong lần ra Bắc hồi năm 1951. Trở lại miền Nam, ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi nói hết với vợ. Bà ấy nghe, cũng buồn nhưng không trách móc gì. Bà ấy thỉnh thoảng lại nhắc, phải tìm được thằng Nam về”.

Mỗi lần cứ có người ra, ông Võ Văn Kiệt lại nhắn nhờ tìm Phan Thanh Nam. Năm 1972, bà Bảy Huệ, phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, người năm 1959 đưa Võ Dũng và Hiếu Dân ra Bắc và chăm sóc, đã tìm được Nam về cho ông. Ngày cha con gặp nhau, ông đang ở một căn cứ gần kênh Biện Nhị, xã Khánh Lân, Cà Mau. Ông đợi con, lâu lâu lại hỏi: “Nó tới đâu rồi?”. Gặp nhau, bác sĩ Nam kể: “Hai cha con ôm nhau nửa tiếng, không nói một lời, rồi cả hai cùng khóc. Chúng tôi, cũng ra phía sau, ngồi khóc”.

Ông Võ Văn Kiệt kể: “Tôi kể cho Nam về vợ tôi. Nó nghe rồi nói, “con nhận mẹ của Hiếu Dân và anh Dũng làm mẹ”. Tôi cũng nói rõ với Hiếu Dân nhưng chủ yếu là để cho hai đứa hiểu nhau một cách tự nhiên. Tôi rất mừng, giờ tụi nó quý nhau lắm”. Sáng 15-6, khi đọc lời cảm tạ của gia đình, con trai ông, Phan Thanh Nam, đã không quên nhắc đến những người đã khuất: “Chúng con xin cám ơn Má, anh Hai và các em, đã vĩnh viễn ra đi trong cuộc chiến tranh, để lại tình thương yêu vô bờ bến”.

Tôi đã không ít lần gặp chị Võ Hiếu Dân, người con duy nhất còn lại của bà Trần Kim Anh, hy vọng nghe từ chị những ký ức về mẹ mình. Nhưng, chưa bao câu chuyện có thể tiếp tục. Cho tới tận bây giờ, chị Hiếu Dân vẫn không thể nào cầm được nước mắt mỗi khi nhắc về mẹ.

Gần đây, ông đã có rất nhiều nỗ lực giúp đỡ việc tìm lại hài cốt của những người chết trong thời gian học tập cải tạo; gặp gỡ lãnh đạo hai địa phương, Bình Dương và TP.HCM để bàn về vấn đề nghĩa trang của những người lính Sài Gòn cũ. Mấy năm trước, khi cô cháu ngoại mang về cho ông mấy cuộn phim do người Việt ở nước ngoài làm về những thuyền nhân vượt biên trong những năm sau 1975, ông xem, xúc động và có rất nhiều trăn trở.

Khi ông nói, “yêu nước có thể bằng nhiều con đường”, là ông nói bằng chính từ nỗi đau của mình. Không phải ngẫu nhiên mà ông nhấn mạnh: “Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả”.

Từ năm 1995, ông đã kiến nghị: “Trên chặng đường mới này của đất nước, hơn bao giờ hết cần giương cao ngọn cờ dân tộc và dân chủ”. Trong buổi làm việc cuối cùng, chiều 23.5, ông nói với tôi về ý định sẽ viết chung một cuốn sách với một người đã từng là quan chức cao cấp trong chế độ Sài Gòn. Ông coi đó như là một biểu tượng của tinh thần hoà giải. Năm 1997, khi vừa nhận chức, trong một cuộc phỏng vấn dành riêng cho tôi, Thủ tướng Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.

Từng là một nhà lãnh đạo chiến tranh xuất sắc, đúng như lời Thủ tướng Phan Văn Khải, ít ai có thể so sánh bản lĩnh chính trị với ông. Tuy nhiên, bản lĩnh chính trị của Võ Văn Kiệt không phải là những giá trị giáo điều. Chính trị “tối cao” đối với ông là “Dân”. Điều gì có thể đoàn kết mọi người dân Việt Nam. Điều gì có thể nhanh chóng đưa lại cơm no áo ấm cho mọi người Việt Nam là ông chủ trương. Ông Võ Văn Kiệt đề nghị “giương cao ngọn cờ dân tộc” không phải từ một ý tưởng xuất hiện tình cờ.
Ông đúc kết điều đó qua sự trải nghiệm bằng máu của chính ông, của những đứa con, của người vợ mà ông vô cùng yêu dấu.
Huy Đức