28 tháng 12, 2011

Bản quyền của Công ty Nghe nhìn toàn cầu AVG về bóng đá như thế nào?

Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch HĐQT AVG)

Dù không muốn nói về mình nhưng tôi vẫn xin khẳng định: AVG đã thực hiện đúng cam kết với VFF.Đến ngày hôm nay cũng đã có gần 40 Đài PT-TH của các tỉnh, thành phố có ký kết với chúng tôi để truyền dẫn phát sóng các trận đấu phục vụ người xem truyền hình. Đối với Đài VTV và VTC, tôi không dám tin rằng họ sẽ không phục vụ đông đảo người xem trong cả nước.

Cũng là một người cầm bút, trước những dư luận gần đây, trước những bài viết và rất nhiều cuộc điện thoại đề nghị phỏng vấn của các phóng viên về bản quyền truyền hình bóng đá, tôi thấy mình có trách nhiệm phải lên tiếng. Thông qua các cơ quan báo chí, tôi xin được chia sẻ với các bạn đọc một số nội dung, đồng thời còn là những tâm sự của mình. Tất cả bắt đầu bằng bốn chữ mà tôi đã được dạy là: DOANH SINH CHÍNH NGHIỆP.

Bốn chữ này được thêu trên một tấm lụa do Thầy của tôi tặng cho tôi. Chúng ta có thể hiểu nôm na là người làm kinh doanh luôn phải sống và làm việc chân chính. Giáo lý của Nhà Phật cho ta biết Nghiệp (tiếng Sanskrit là Karma, tiếng Pali là Kamma) là hành vi, hành động… nhưng cũng là kết quả. Dưới một điều kiện nhất định, mỗi tác động (Nghiệp Nhân) sẽ tạo ra một kết quả (Nghiệp Quả). Nghiệp đến từ Thân (hành động), Khẩu (ngôn ngữ, bao gồm cả viết và nói) và Ý (suy nghĩ - ngay từ khi khởi Tâm) của chúng ta. Vì vậy, Chính Nghiệp là phải Chính cả về Thân, Khẩu, Ý. Bởi thế, đã nói là phải nói đúng, nói là phải làm. Nói mà không làm, nói mà không đúng sự thật là nói sai, nói dối. Như vậy là thiếu tự trọng và thiếu cả tôn trọng người khác. Do nhận thức được điều này nên cá nhân tôi thường phải rất tính toán và dè dặt trước bất kỳ một tuyên bố nào.


Trở lại với bản quyền bóng đá, kể từ khi anh Kiên nói và khởi động việc thành lập VPF, tôi đã quan sát, đã lắng nghe rất kỹ. Nhưng mãi đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa hiểu động cơ và tính mục đích của việc đòi xem lại Hợp đồng mà VFF đã ký với AVG. Chưa thấy mối liên quan nào giữa việc xây dựng và phát triển bóng đá (là một trong các mục tiêu của việc thành lập ra VPF) với việc đòi xem xét và lấy lại bản quyền của AVG.



AVG đã thực hiện đúng cam kết với VFF về bản quyền truyền hình.

Rõ ràng việc bắt tay vào uốn nắn, điều chỉnh để bóng đá Việt Nam được nâng tầm là việc làm rất cần thiết. Có điều là ai làm? Làm như thế nào? Bắt đầu từ đâu? Kế hoạch cụ thể là gì..., đều là những câu hỏi mà chúng ta phải có sự suy tính hết sức nghiêm túc. Phải đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ chứ không phải chỉ có tiền là đủ. Do vậy, những gì mà anh Kiên đã tuyên bố, tôi không tin. Mà quả thật cũng chưa thấy có sự đảm bảo nào trong đó đáng để tin. Nhưng tôi thấy vẫn có thể tin được phần nào vào VPF bởi cũng đã có những mô hình như vậy thành công ở nước ngoài. Hơn nữa trong VPF có nhiều ông bầu đáng được tôn trọng vì thái độ và những cống hiến, những hành động thực sự vì bóng đá như anh Đức, anh Hiển, anh Thắng…

Vậy còn AVG của chúng tôi thì sao? Dù không muốn nói về mình nhưng tôi vẫn xin khẳng định: AVG đã thực hiện đúng cam kết với VFF. Thực ra, chúng tôi đã suy nghĩ và hành động còn nhiều hơn thế nữa vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Có một sự thực nữa cũng cần phải nói rõ để mọi người cùng biết là chúng tôi không lấy tiền từ người xem truyền hình. Chúng tôi lấy tiền từ các đơn vị mua quảng cáo, tài trợ và chúng tôi chia lợi nhuận với các nhà Đài. Cụ thể hơn, chúng tôi sản xuất, thu - ghi các trận đấu rồi truyền dẫn về các nhà Đài và đề nghị chia đôi thời lượng quảng cáo (trước, trong và sau trận đấu) với các nhà Đài. Như vậy, nếu một Đài nào đó không phát sóng phục vụ nhân dân thì đó là việc của các nhà Đài chứ không phải lỗi của chúng tôi.

Đến ngày hôm nay cũng đã có gần 40 Đài PT-TH của các tỉnh, thành phố có ký kết với chúng tôi để truyền dẫn phát sóng các trận đấu phục vụ người xem truyền hình. Đối với Đài VTV và VTC, tôi không dám tin rằng họ sẽ không phục vụ đông đảo người xem trong cả nước. Thực tế, Ban Thể thao, Giải trí và Thông tin Kinh tế của VTV do anh Tiến đại diện và VTC do Quang Huy đại diện đang làm việc với người của chúng tôi để thống nhất các điều kiện tiếp sóng các giải đấu.
 
Nói dài thế này bởi tôi mong mọi người cùng hiểu đúng về những gì đang diễn ra xoay quanh bản quyền truyền hình bóng đá. Cá nhân tôi, người đang còn mon men theo con đường Đạo Phật, tu hành chưa đến đầu đũa gì, thành quả cũng không đạt được là bao thì vỗ ngực xưng tên là việc chắc chắn không dám làm. Do nhớ đến những gì Thầy tôi đã dạy và hành động ít nhiều cũng theo những lời dạy ấy nên tâm thái tôi vẫn luôn rất bình an, tự tại.

Trên đây là những chia sẻ, những tâm sự của cá nhân tôi, nhưng cũng là những gì đang diễn ra với AVG.
Tôi cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về những điều đã đề cập trong bài viết này.
Cũng qua đây, cho phép tôi được gửi tới toàn thể các bạn đọc những lời cầu chúc an lành, tốt đẹp./.

P.N.V.

Năm 2011, Việt Nam đã mua một số tàu loại Tàu ngầm hạng kilo của Nga

Tàu ngầm hạng kilo của Nga

Ảnh ăn khách nhất năm 2011 của Asean

Thủ tướng Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân,
cùng Tổng thống Cộng hòa Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono và phu nhân.

19 tháng 12, 2011

Kim Jong-il qua đời: phản ứng từ VN

Cập nhật: 15:17 GMT - thứ hai, 19 tháng 12, 2011                 
Người dân Bắc Hàn than khóc
Người dân Bắc Hàn than khóc cho ông Kim Jong-il

Tin lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong-il qua đời thu hút sự chú ý đặc biệt của người dân và chính giới Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã mau chóng gửi điện chia buồn tới Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị phát biểu: "Chúng tôi bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Triều Tiên trước việc đồng chí Kim Jong-il, Tổng Bí thư Đảng Lao động Triều Tiên, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng CHDCND Triều Tiên, Tổng Tư lệnh tối cao Quân đội nhân dân Triều Tiên đã từ trần."

"Chúng tôi tin tưởng nhân dân Triều Tiên sẽ vượt qua mất mát to lớn này, tiếp tục nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước."

Ngay sau tin ông Kim Jong-il qua đời, BBC cũng đã hỏi ý kiến một số người Việt Nam về phản ứng của họ.

Bà Nguyễn Thị Lợi, phu nhân ông Lê Quảng Ba, đại sứ đương nhiệm của Việt Nam tại Bình Nhưỡng, đồng thời là chủ tịch Hội phụ nữ ngoại giao đoàn tại Bắc Triều Tiên cho biết là bà được tin này khi đang chuẩn bị đến đặt vòng hoa nhân kỷ niệm sinh nhật của bà Kim Jong-suk, thân mẫu của ông Kim Jong-il.

Bà cho biết cho đến trưa ngày 19/12 thì mọi hoạt động ở Bình Nhưỡng vẫn diễn ra bình thường và Bắc Hàn vẫn đang tiến hành các hoạt động tưởng niệm bà Kim Jong-suk, bao gồm một buổi lễ tưởng niệm tại lễ đài văn hóa Triều Tiên và một buổi hòa nhạc.

Tuy nhiên đến trưa thứ Hai thì tất cả các hoạt động đều bị hủy.

Chìm trong tang thương

“Tất cả người dân Triều Tiên hiện đang rất đau buồn,” bà cho biết, “Đâu đâu cũng thấy than khóc rất thương cảm.”

Bà nói là hiện giờ ở Bình Nhưỡng mọi hoạt động đều ngừng hoàn toàn, các chợ, công sở và trường học đều đóng cửa.

“Ngay tại trường con trai tôi học là trường quốc tế, con tôi đi về nói tất cả các thầy cô giáo chỉ có đứng mặc niệm và khóc,” bà nói.

Bà Lợi tin rằng chính phủ Bắc Hàn sẽ để ông Kim Jong-il yên nghỉ trong lăng giống như cha ông là cố Chủ tịch Kim Il-sung.

Bà kể rằng kể từ khi bà sang Bình Nhưỡng, bà đã thấy người dân Bắc Hàn ‘vô cùng yêu thương kính trọng’ hai vị lãnh tụ của họ.

“Hai cha con [Kim Il-sung và Kim Jong-il] đều vĩnh viễn nằm trong trái tim của người dân Triều Tiên dù [Kim Il-sung] đã chết cả chục năm nay,” bà nói và cho biết thêm rằng người dân Triều Tiên cũng có tình cảm tương tự với Kim Jong-un, người sẽ kế vị cha lãnh đạo Bắc Triều Tiên.

Giải thích lý do tại sao Kim Jong-un lại được tôn sùng dù anh ta vẫn còn trẻ và chỉ mới xuất hiện trên chính trường Triều Tiên, bà Lợi nói đó là vì anh ta cùng một gia đình với Kim Il-sung và Kim Jong-il.

“Họ đều cùng một tư tưởng, một ý chí thống nhất từ Chủ tịch Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] cho đến cháu,” bà giải thích.

Về tình hình Bắc Hàn sau khi Kim Jong-il qua đời, bà Lợi nói bà tin rằng sẽ ‘không có biến động gì lớn’.

“Tới giờ này dù Chủ tịch Kim Nhật Thành [Kim Il-sung] đã mất từ lâu nhưng toàn bộ ý chí, phương thức lãnh đạo cũng đều như khi [Kim Il-sung] còn sống,” bà nói, “Dù Kim Jong-il mất và Kim Jong-un lên thay thì vẫn thế thôi.”

Bà nói thời gian bà ở Bình Nhưỡng bà đã ‘tận mắt nhìn thấy những thành quả của nhân dân Triều Tiên’.

“Tình hình Triều Tiên vẫn phát triển, rất tốt. Người dân lạc quan và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chủ tịch [Kim Jong-il].”

Bà nói là dù kinh tế Triều Tiên rất khó khăn nhưng ‘người dân hoàn toàn vô tư’.

“Họ xây dựng một công trình trên 20 tầng chỉ trong vòng một năm mà đã thấy sừng sững,” bà nói,

“Tất cả mọi người đều đoàn kết vừa lao động vừa hát.”

Bà Lợi nói bà rất ấn tượng với chương trình biểu diễn nghệ thuật Arirang hoàng tráng mà bà có dịp chứng kiến ở Bình Nhưỡng: kéo dài ròng rã từ tháng 8 đến tháng 9 tại một sân vân động có sức chứa 16 vạn người, tức là lớn gấp đôi sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh.

Bà gọi đó là một chương trình ‘vĩ đại’ và không thể tưởng tượng một đất nước còn gian khổ như Triều Tiên lại làm được như vậy.

Quan hệ không nồng ấm

Cha con Kim Jong-il và Kim Jong-un
Gia đình họ Kim đã lãnh đạo đất nước Bắc Triều Tiên nhiều thập niên nay

Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc, cho rằng cái chết của Kim Jong-il chắc chắn sẽ có tác động đến tình hình Bắc Triều Tiên.

“Ý chí thống nhất của người Triều Tiên sẽ có cơ hội sáng sủa hơn,” ông nói.

Tuy nhiên ông cho rằng cần phải có thời gian để Bắc Hàn có sự thay đổi gì lớn vì chế độ chính trị ở đây đã rất nhiều năm và ‘phá vỡ cơ cấu như thế cần có thời gian.’

“Cái chết này tạo ra một tình thế, nhưng tận dụng tình thế đó như thế nào tùy thuộc vào người dân [Bắc Hàn],” ông nói.

Ông nói giữa Việt Nam và Triều Tiên cũng có điểm tương đồng nhưng khác biệt lại rất nhiều.
“Hai nước giống nhau ở hai cuộc chiến tranh [chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam], nhưng trong khi Việt Nam đã thống nhất thì Triều Tiên vẫn đang chia cắt và sự cách biệt giữa hai miền quá xa,” ông nhận xét.

Hai chế độ chính trị Việt Nam và Bắc Hàn dù cùng là chủ nghĩa xã hội nhưng ‘bản chất rất khác nhau’, ông nói, và quan hệ giữa hai nước cũng ‘tế nhị’.

“Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, chính Triều Tiên ủng hộ Pol Pot chống lại Việt Nam,” ông nhắc lại.

Tướng về hưu Nguyễn Trọng Vĩnh cũng nhắc lại việc cố Chủ tịch Kim Il-sung đã từng ủng hộ Pol Pot chống Việt Nam và gọi đó là thời kỳ phai nhạt quan hệ giữa hai nước sau khi Việt Nam thống nhất.

“Họ có vẻ ghen tức với Việt Nam vì không thống nhất được [Triều Tiên],” ông nói, và nhấn mạnh ông Kim Jong-il ‘cũng không mặn mà gì’ đối với Việt Nam vì ông cũng theo đường lối của cha ông.
Quan hệ giữa Việt Nam – Bắc Hàn dưới thời ông Kim Jong-il cũng không phát triển gì dù gần đây Việt Nam có giúp Bắc Hàn gạo để cứu đói cho người dân của họ, ông nói.

“Thế giới đánh giá ông Kim Chính Nhật [Kim Jong-il] không có tài năng gì ghê gớm,” ông nói, “Ông ta để cho nước Triều Tiên đói nhưng vẫn đi làm vũ khí hạt nhân và kinh tế kém nhưng lại rất khoa trương.”

Tướng Vĩnh nói cái chết của Kim Jong-il không có tác động gì đối với Việt Nam cả và bản thân ông không thích kiểu gia đình trị cha truyền con nối của Bắc Triều Tiên.

Còn về ‘thay đổi’ ở Bắc Hàn sau cái chết này thì ông nói là ‘khó lắm’ vì ‘người ta quản lý chính trị chặt chẽ lắm kể từ ông Kim Nhật Thành.”

“Vui và phấn khởi’

Trong khi đó, nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Khắc Toàn nói với BBC rằng ông rất ‘vui và phấn khởi’ vì ’24 triệu người dân Bắc Hàn sẽ có cơ hội thay đổi thể chế chính trị’ của đất nước họ.

Kim Il-sung và Kim Jong-il
Hệ thống Bắc Hàn bị người bất đồng chính kiến VN cho là 'chế độ toàn trị tệ hại nhất thế giới'

Ông nhận xét chế độ Bắc Hàn là chế độ ‘phong kiến trá hình nhưng khoác áo chủ nghĩa cộng sản’ và ‘chế độ toàn trị’ này là ‘tệ hại nhất trong các quốc gia cộng sản còn sót lại trên thế giới’.

Ông nói thay đổi có thể đến với Bắc Triều Tiên nếu ‘các nhà lãnh đạo hiện nay của Đảng Lao động Triều Tiên nhận thấy trở ngại lớn nhất cho việc thay đổi chế độ chính trị hết sức phản động và hết sức tai hại cho đất nước chính là sự cai trị của dòng họ Kim mà Kim Nhật Thành đã tạo ra từ năm 1948 cho đến nay’.

Ông giải thích rằng các nhà lãnh đạo cấp tiến xung quanh Kim Jong-il đã thấy thế giới xung quanh họ ngày nay đã có nhiều thay đổi và họ sẽ không dễ dàng để cho một kẻ vô danh tiểu tốt như Kim Chính Vân [Kim Jong-un] chỉ mới 28 tuổi và chưa có kinh nghiệm chấp chính ‘đè đầu cưỡi cổ’, trong đó có những nhà lãnh đạo cựu trào đã hoạt động cùng thời với ông nội của Kim Jong-un.

Tuy nhiên ông Toàn cũng nhìn nhận ‘cơ hội’ này cũng rất khó khăn vì người dân Bắc Hàn đã sống trong ‘một chế độ hà khắc hết sức chặt chẽ trong hơn 60 năm’ và chế độ Bắc Hàn có sự ‘hậu thuẫn to lớn’ của ‘cộng sản Trung Quốc và cả nước Nga hiện nay’.

“Cả Nga và Trung Quốc đều muốn tạo vùng đệm trên bán đảo Triều Tiên để tạo đối trọng với thế giới dân chủ của Mỹ, Nhật, Hàn,” ông nhận xét.

Về phía giới lãnh đạo chính trị của Việt Nam, ông Toàn dự đoán sẽ phản ứng với sự kiện này ‘một cách khách quan’.

“Giới lãnh đạo Việt Nam cũng mong muốn Bắc Hàn theo gương Trung Quốc và Việt Nam thay đổi về kinh tế và hội nhập với thế giới để không chịu sự sụp đổ như các nước cộng sản [Liên Xô và Đông Âu],” ông nói.

“Nếu có sự thay đổi tan hoang đột ngột khốc liệt ở Bắc Triều Tiên thì sẽ không có lợi gì cho chế độ độc tài toàn trị của Việt Nam và Trung Quốc,” ông đánh giá.

10 tháng 12, 2011

Bùng nhùng chuyện vay nợ ở Cty thiết bị giáo dục I

Hàng chục nhân viên đã về hưu của Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục I đang đứng trước nguy cơ bị chính doanh nghiệp này xù nợ. Có những người nay rơi vào khó khăn, nhưng ngày được trả nợ vẫn rất mịt mù.
Đơn thư khiếu nại của cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu của Cty Cổ phần thiếu bị giáo dục I gửi đi nhiều nơi  Ảnh: N.H
Đơn thư khiếu nại của cán bộ công nhân viên đã nghỉ hưu của Cty Cổ phần thiếu bị giáo dục I gửi đi nhiều nơi Ảnh: N.H.
Sau khi cổ phần hóa, từ tháng 8-2007, Cty Cổ phần Thiết bị Giáo dục I tiếp tục huy động vốn của gần 30 cán bộ công nhân viên cũ trong cơ quan để kinh doanh. Tổng số tiền công ty vay khoảng hơn 5 tỷ đồng. Việc chi trả mức lãi theo khung ngân hàng nhà nước quy định. Mọi việc đang diễn ra bình thường thì từ tháng 6-2011 đến nay, tất cả người cho vay không nhận được một đồng tiền lãi nào, có người muốn rút tiền ra cũng không xong.

Gõ cửa báo Tiền Phong, bà Phạm Thị Liên ở D1, tập thể Kim Liên (Đống Đa) khóc kể, do tin tưởng là một doanh nghiệp giáo dục, bà đã cho công ty vay toàn bộ số tiền 200 triệu đồng từ tháng 4-2008 mà bà dành dụm cả đời để dưỡng già.

“Tôi bị cùng một lúc 3 loại bệnh: Tim, liệt rung (parkinson) và khớp. Bác sĩ bảo hiện khớp gối phải thay nhưng bây giờ không biết lấy đâu ra tiền để chữa trị. Đòi mãi rồi nhưng công ty không thèm hồi âm, gửi đơn đến Thanh tra Bộ Giáo dục vẫn không thấy gì”- bà Liên nói.

Bà Liên cho biết hoàn cảnh của bà Thành (em ruột bà Liên) còn đáng thương hơn. Do công ty không trả lãi suốt mấy tháng nay, nên bà Thành không có tiền để sinh sống, phải vào trong TP Hồ Chí Minh cậy nhờ vào con cái. Nhiều người chung cảnh ngộ với bà Liên như bà Võ Thị Tích ở Trường Chinh, bà Phạm Thị Thành ở Hàng Hòm (Hoàn Kiếm).

6 tháng không thể bàn giao xong

Làm việc với P.V báo Tiền Phong, bà Hoàng Thị Kim Loan, Tổng giám đốc Cty nói rằng, số tiền trên được công ty vay từ thời lãnh đạo cũ, tức thời ông Nguyễn Ngọc Hải- nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc (bà Loan có quyết định bổ nhiệm chức tổng giám đốc từ tháng 6 đến nay).

“Khi nhận nhiệm vụ, tôi mới biết đến khoản vay này, mặc dù thời điểm đó tôi là Phó Chủ tịch HĐQT của Công ty”- bà Loan nói. Việc công ty không đoái hoài đến khoản nợ trên là do lãnh đạo mới “chưa thể bàn giao xong”. Giải thích vì sao đã gần nửa năm trôi qua, vẫn không xong chuyện bàn giao để công ty tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ tài chính như bất kỳ một pháp nhân thông thường nào khi chuyển đổi lãnh đạo, bà Loan cho biết, do phía lãnh đạo cũ chưa đối chiếu xong công nợ, tài khoản trong công ty trống rỗng.

"Chúng tôi phải lập một hệ thống sổ sách mới để duy trì hoạt động từ đầu tháng 7 đến nay. Hơn nữa không rõ đây là tiền của công ty vay hay do cá nhân ông Hải vay”- bà Loan nói.

Theo ban lãnh đạo mới của công ty, tình hình tài chính để lại từ thời lãnh đạo cũ “rất yếu kém”. Riêng số tiền mà các cá nhân cho công ty vay đã là 11,9 tỷ đồng, chưa kể đến hơn 10 tỷ đồng tiền mà công ty nợ nhà nước như thuế VAT, thuế nhà đất và cả tiền bảo hiểm xã hội.

Trong khi đó, giải thích với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Hải- nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty cho biết ông chỉ là người thay mặt công ty vay tiền của cán bộ công nhân viên, nguồn tiền ấy đã đưa vào dòng tài chính của công ty, có sổ sách đàng hoàng. Nay ban lãnh đạo mới khi tiếp nhận đương nhiên gánh nghĩa vụ ấy cũng là chuyện bình thường.

Theo ông Hải, dù khó khăn đến đâu, cũng phải lo trả những người cho vay này vì “họ cho mình vay khi khó khăn mà không cần thế chấp là quá tốt rồi”. “Chính mẹ ruột tôi cũng có phần tiền ít ỏi dành dụm được cho công ty vay nhưng nay họ không thèm đếm xỉa gì đến”- ông Hải bức xúc.

Được biết Công ty Cổ phần thiết bị giáo dục I là doanh nghiệp nhà nước (nhà nước chiếm giữ 51% số vốn) thuộc Nhà Xuất bản Giáo dục (Bộ GD&ĐT), số vốn điều lệ khoảng 23,5 tỷ đồng, doanh thu hàng năm khoảng 100 tỷ đồng.

Ngân Hà