26 tháng 5, 2012

Mầm mống đã có từ lâu


(VN News Plus) - Cứ nhìn trên các phương tiện truyền thông, các phiên họp Quốc hội, các kỳ họp HĐND... đâu đâu cũng thấy bàn cãi về khủng hoảng kinh tế, phát sốt với GDP, đánh vật với tăng giá, thu tiền. Còn sự khủng hoảng đang diễn ra ngay trong mỗi gia đình thì sao? Liệu đó có phải là hệ luỵ của kinh tế thị trường như người ta thường nói, hay có nguồn gốc nào khác? VN News Plus Xin đăng lại bài viết của SGTT, tác giả là nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải. 
Theo dõi sự phát triển của tội ác và lối sống tiêu cực, hình như người ta đã quen với sự hình thành “mặt bằng mới” không còn phải ngạc nhiên nữa: đạo đức xã hội xuống cấp, chuyện gì lại chẳng có thể xảy ra. Vợ đốt chồng (mà chẳng phải một bà đốt), cháu thiếu tiền chơi game về nhà giết bà nội lấy đôi bông tai bán vài trăm ngàn. Hai thằng anh rể (cả hai nhé) cùng ngủ với em vợ là trẻ con đến mức có bầu! Trong chuyện thằng Luyện rình trong bóng tối cả đêm bình tĩnh chờ trời sáng ra tay giết gần hết một gia đình, vẫn cứ phải thắc mắc: sao một mình nó làm nổi việc trời không dung đất không tha ấy? Sau khi luật pháp tha tội đáng chết, có thêm đàn em noi gương Luyện cướp tiệm vàng! Rồi còn mấy ông bà bác sĩ quan hệ bất chính, chồng bố trí cho vợ tự quay cảnh hành lạc để làm chứng cứ cho một âm mưu, đem về cho chồng xem thì chồng bảo chưa đạt chất lượng, phải ngủ lại, quay lại cho rõ! Họ đều là cán bộ, đều có cơ quan, đoàn thể, thường xuyên kiểm điểm tổng kết bình bầu, chắc chắn có học tập đạo đức Hồ Chí Minh cả… Vậy tính cách này không phải do “kinh tế thị trường” mà ra. Nó phải có mầm mống từ lâu lắm.
Trong các vụ án được toàn xã hội quan tâm, ít thấy người ta tìm nguồn gốc tội ác ở gia đình, môi trường hình thành nhân cách. Trường học đầu tiên của con người, nơi trang bị tâm tính cho cả cuộc đời chính là gia đình. Tâm tính và đạo đức là cái bất biến cho con người ứng vạn biến của cuộc đời. Thế mà chúng ta chỉ lo sợ trước khủng hoảng kinh tế, trong khi cái đáng sợ hơn là khủng hoảng gia đình thì chẳng làm gì cả. Nói thế vì có một thực tế rất rõ: trong các quyết sách phát triển xã hội, vắng bóng hoàn toàn những giải pháp, cũng chẳng thấy nhận định đúng về mức độ khủng hoảng các giá trị trong gia đình
Việt Nam hiện nay. Không thấy được sự liên thông giữa sự phát triển lành mạnh của gia đình với sự ổn định xã hội, đến phát triển kinh tế và chi phối tất cả các vấn đề, không có sự quan tâm tới nguồn gốc sâu xa của suy thoái đạo đức xã hội, người ta chỉ đổ gọn một câu: “Do mặt trái kinh tế thị trường”. Các biện pháp tăng cường chức năng giáo dục gia đình như một chính sách lớn có hệ thống của Nhà nước không thấy đâu. Chỉ dừng lại ở các phong trào đoàn thể mà hiệu quả không rõ.
Nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn từng bị “đánh” vì nghiên cứu những tính cách xấu của người Việt. Một lần có dịp vào TP.HCM, khi bạn bè chất vấn tại sao ông nhìn cuộc sống tuyệt vọng vậy, ông công nhận: “Tôi tuyệt vọng vì không thấy lối ra”. Ông bảo rất nên quan tâm đến vấn đề lưu manh. Sự hạ lưu len vào bộ máy công quyền. Nhiều nơi không còn là chỗ phụng sự những giá trị tốt đẹp của xã hội, mà là chỗ thực hiện những mưu đồ.
Nhưng chẳng lẽ gia đình rồi cũng đến mức ấy?
Nguyễn Thị Ngọc Hải (Nguồn: SGTT)

8 nhân vật quyền lực mới đã cập bến Sacombank


(VN News Plus) - Trong số những gương mặt mới gia nhập vào HĐQT Sacombank, có một nửa là các thành viên đến từ Southern Bank, đặc biệt là sự xuất hiện của ông Trầm Bê và con trai ông, ông Trầm Khải Hòa. >> Những ai đứng sau vụ thâu tóm Sacombank
Ông Trầm Bê đang được xem là một nhân vật "bí ẩn" của giới tài chính.
 
Sau nhiều đồn đoán và những thông tin dồn dập về thay đổi nhân sự, sự góp mặt của những nhân tố mới trong ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB), đến hôm nay (26/5), đại hội cổ đông thường niên của ngân hàng cũng đã đưa ra đáp án cuối cùng.

Theo đó, các cổ đông của STB đã thông qua các phương án về nhân sự được nêu ra tại Tờ trình về việc bầu cử bổ sung 8 thành viên mới vào HĐQT nhiệm kỳ 2011 - 2015.

Cụ thể, ông Trầm Bê, nguyên Phó Chủ tịch NHTMCP Phương Nam (Southernbank) và ông Phạm Hữu Phú, nguyên thành viên HĐQT NHTMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đã chính thức gia nhập vào hàng ngũ HĐQT Sacombank.

Ông Trầm Bê hiện đang là thành viên HĐQT của CTCP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh, Phó Chủ tịch CTCP Thương mại Vàng bạc đá quý Phương Nam và đồng thời là Chủ tịch HĐQT Bệnh viện Triều An.

Con trai ông Trâm Bê là ông Trầm Khải Hòa, sinh năm 1988, cũng nằm trong số những gương mặt mới của bộ máy lãnh đạo ngân hàng này. Ông Hòa hiện đang là Chủ tịch của Công ty Chứng khoán Phương Nam. 
 
Trước đó, giới tài chính cũng đã dồn nhiều chú ý tới những thay đổi nhân sự cấp cao tại hai ngân hàng Sacombank và Southern Bank. Tại Đại hội cổ đông của Southern Bank ngày 24/4, ông Trầm Bê đã xin từ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT và hé lộ việc sẽ ứng cử vào ban quản trị của một ngân hàng khác, chính là Sacombank.
 
Và ngay sau đó, Sacombank cũng vừa bổ nhiệm ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng Giám đốc của Southern Bank) vào vị trí Phó tổng giám đốc Sacombank. Ông Khang là thành viên thứ 3 của Southern Bank tham gia vào HĐQT mới của Sacombank lần này. Nhân vật thứ 4 là bà Dương Hoàng Quỳnh Như, đang là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực Southern Bank.

Ba người mới còn lại (ngoài Sacombank) là ông Nguyễn Miên Tuấn hiện đang là thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS), ông Kiều Hữu Dũng đang là Chủ tịch Công ty Phát triển Thể thao và Giải trí Mễ Trì, Chủ tịch Công ty Đầu tư Thảo Điền, Chủ tịch Công ty Đầu tư Bắc Thủ Đô và ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Bảo Hiểm Bảo Long, Chủ tịch EximLand, Chủ tịch Chứng khoán Rồng Việt và là Cố vấn HĐQT CTCP Đầu tư Tài chính Sài Gòn Á Châu.
 
Sau khi 5 thành viên HĐQT đương nhiệm gửi đơn xin từ nhiệm chức danh thành viên HĐQT kể từ đại hội cổ đông năm nay, cơ cấu HĐQT mới chỉ còn ông Đặng Văn Thành (Chủ tịch HĐQT) và ông Đặng Hồng Anh - con trai ông Đặng Văn Thành (Ủy viên HĐQT) là nằm trong Ban Lãnh đạo cũ. Ngoài ra, một đại diện khác đến từ Sacombank là ông Trần Xuân Huy, TGĐ Sacombank cũng đã trúng cử vào HĐQT mới ngân hàng này.

Đại hội Cổ đông hôm nay đang chờ đợi việc thông qua Tờ trình về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật thay cho Chủ tịch HĐQT kể từ 2012 đến hết 2015. Nếu như được thông qua, người đại diện theo pháp luật của Sacombank sẽ là Tổng Giám đốc. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là người đứng đầu doanh nghiệp, được doanh nghiệp ủy quyền, thay mặt doanh nghiệp thực hiện các giao dịch vì lợi ích của doanh nghiệp, với đối tác, khác hàng và với cơ quan Nhà nước.

Bà Đặng Thị Hoàng Yến bị Quốc hội bãi nhiệm


(VN News Plus) - Chỉ với 16 phiếu chống, 457 phiếu tán thành, Quốc hội vừa chính thức thông qua việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến. Bà Yến là đại biểu thứ 3 bị bãi nhiệm trong lịch sử Quốc hội.
Có 473 trên tổng số 500 đại biểu tham gia buổi bỏ phiếu quyết định việc bãi nhiệm bà Yến, đủ tỷ lệ theo quy định. Kết quả ban kiểm phiếu công bố, 457 phiếu tán thành, 16 phiếu không tán thành. Cũng với đa số phiếu thuận, Quốc hội ngay sau đó đã thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm đối với đại biểu tỉnh Long An - Đặng Thị Hoàng Yến.
Phát biểu trước khi Quốc hội tiến hành bỏ phiếu tại phiên họp sáng nay, bà Yến cảm ơn sự quan tâm của Quốc hội dành cho bà và nói rằng dù ở cương vị nào cũng sẽ cố gắng đóng góp cho xã hội.
 
Bà Đặng Thị Hoàng Yến không còn là đại biểu Quốc hội (Ảnh: Việt Hưng)
Trước đó, chiều 24/5, thảo luận tại đoàn, đa số đại biểu tại các đoàn cũng đồng ý sẽ bãi nhiệm tư cách đại biểu bà Hoàng Yến, theo đề nghị của UB Thường vụ tại phiên họp chiều 23/5. Cũng có ý kiến đã đề nghị xem xét trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình hiệp thương, giới thiệu bà Yến ra ứng cử đại biểu Quốc hội.
Kết quả phiếu thăm dò sau phiên thảo luận được UB Thường vụ công bố sáng nay cho thấy, có 468 phiếu/471 phiếu đồng ý bãi nhiệm tư cách đại biểu với bà Yến, 3 phiếu không đồng ý.
Hồ sơ do UB Thường vụ gửi đến từng đại biểu để xem xét việc bãi nhiệm đại biểu này còn có cả văn bản đề nghị của UB MTTQ tỉnh Long An - nơi bà Yến ứng cử và UBTƯ MTTQ Việt Nam thống nhất đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu bà Yến gửi đến Thường vụ trước đó. Tại phiên họp thứ tám (đầu tháng 5 vừa qua), UB Thường vụ kết luận bà Yến đã không trung thực trong khai hồ sơ ứng cử, làm cho cử tri và tổ chức hiểu không đúng về tiểu sử và quá trình hoạt động của bản thân khi bầu cử đại biểu Quốc hội, vi phạm điều 3 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội.
 
Theo đó, nữ đại biểu doanh nhân bị “cáo buộc” đã bỏ qua nội dung khai về việc đã từng vào Đảng nhiều năm trước. Ngoài ra, bà Yến có chồng là Jimmy Trần, Việt kiều Mỹ, bị cơ quan an ninh điều tra (Bộ Công an) khởi tố về tội “lạm dụng chiếm đoạt tài sản” đã bỏ trốn, đang bị truy nã. Bà Yến không khai về người chồng này, hồ sơ ứng cử chỉ ghi tên người chồng đầu đã mất. Nữ đại biểu sau đó có lý giải, thời điểm kê khai hồ sơ đã hoàn thành thủ tục ly hôn với Jimmy Trần. Nhưng gần đây nhất, bản án ly hôn do tòa cấp tỉnh xử đã bị TAND tối cao tuyên hủy, bà Yến cũng xin rút đơn ly hôn sau đó. Như vậy, nữ đại biểu Yến có chồng vi phạm pháp luật.
Những vi phạm này của bà Yến bị đánh giá là “lỗi cố ý” khi bản khai lý lịch ứng cử được đánh máy lại, không theo mẫu ban hành sẵn.
Ngày 4/5, bà Yến đã có đơn từ nhiệm gửi đến UB Thường vụ Quốc hội song theo đánh giá của cơ quan này, lá đơn đã thể hiện nhận thức và thái độ không đúng mực, không nhận thấy thiếu sót, khuyết điểm.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cũng cho biết, trước thời điểm khai mạc kỳ họp thứ 3 này, bà Yến đã gửi thư riêng tới nhiều đại biểu, không chỉ phân trần về những điều được cho là sai phạm, nữ đại biểu tỏ thái độ không đồng tình với cách làm việc của một cán bộ tại Ban công tác đại biểu - cơ quan được giao xác minh một số vấn đề liên quan đến đại biểu này. Bà Nương bác bỏ hoàn toàn những nội dung “tố cáo” này.
UB Thường vụ cũng nhận định, mặc dù là doanh nhân nữ, có đóng góp trong hoạt động từ thiện xã hội ở một số địa phương và tỉnh Long An, song những sai phạm nêu trên của bà Yến đã gây dư luận xấu trong xã hội, ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh một đại biểu Quốc hội, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Vì vậy, Thường vụ quyết định trình Quốc hội đề xuất bãi nhiệm nữ đại biểu.
Vụ việc của bà Yến đã gây dư luận ồn ào ngay khi nữ doanh nhân trúng cử. Trong kỳ họp thứ nhất (tháng 7/2011), Ban Công tác đại biểu đã tiến hành thẩm tra những nội dung báo chí phản ánh về việc không trung thực của bà Yến. Kết quả xác minh được Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông tin tại cuộc họp báo sau kỳ họp thứ hai là “cơ bản là không có vấn đề gì”.
Trước bà Đặng Thị Hoàng Yến, Quốc hội khóa 11 từng có hai đại biểu là Mạc Kim Tôn (tỉnh Thái Bình) và Lê Minh Hoàng (TP HCM) bị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu. Thời điểm đó, cả hai ông này đều liên quan đến các vụ án hình sự.
- Bà Đặng Thị Hoàng Yến, sinh năm 1959, tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP HCM.
- Là người sáng lập Công ty cổ phần đầu tư công nghiệp Tân Tạo (ITA) từ năm 1993, bà Yến giữ chức Chủ tịch HĐQT ITA kể từ năm 1996 tới nay.
- Nữ doanh nhân này từng ba năm liên tiếp nằm trong top 10 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam (2008, 2009, 2010).
- Tháng 5/2011, bà Yến đã được Ủy ban MTTQ tỉnh Long An giới thiệu ứng cử và trúng cử đại biểu Quốc hội khóa 13, đồng thời là ủy viên Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên Quốc hội.
- Tháng 5/2012 bà viết đơn xin từ nhiệm, trước khi Quốc hội họp bàn xem xét bãi miễn tư cách đại biểu Quốc hội.