27 tháng 2, 2012

Sacombank và Habubank: So mặt "anh tài"

Câu chuyện về việc Sacombank bị thâu tóm chưa kịp lắng xuống thì thị trường tài chính lại nổi lên thông tin một ngân hàng khác cũng đang bị gom cổ phiếu nhằm thâu tóm, đó là Habubank. Liệu Habubank có cơ sở để trở thành một "Sacombank thứ hai"? Cùng so sánh hai ngân hàng qua một số tiêu chí để có góc nhìn khách quan.

Thời gian qua sự kiện Sacombank bị thâu tóm trở thành một sự kiện nóng trên thị trường tài chính, đặc biệt là sau khi Eximbank đã yêu cầu Sacombank thực hiện bầu lại Hội đồng quản trị của mình. Trong thời gian sự việc Sacombank bị thâu tóm nổi lên trên thị trường, cổ phiếu STB của ngân hàng này đã tăng xấp xỉ 60%, một mức tăng rất hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.

Và trong những phiên vừa qua, cổ phiếu HBB của Ngân hàng Thương mại CP Nhà Hà Nội (Habubank) nổi lên với khối lượng dư mua trần lớn, khối lượng khớp lệnh lên tới cả chục triệu cổ phiếu mỗi phiên. Trên thị trường bắt đầu xuất hiện thông tin đồn đoán về việc ngân hàng này có thể bị thâu tóm.

Vậy việc Habubank bị thâu tóm và có thể trở thành một “Sacombank thứ hai” liệu có xảy ra? Hay đây chỉ là một cái bẫy được tổ chức hoặc cá nhân nào đó tạo ra nhằm thoát hàng, khi ngân hàng này đang trọng tình trạng sức khỏe yếu? Bài viết này sẽ so sánh một số chỉ tiêu của Habubank và Sacombank để nhà đầu tư có thể đưa ra nhận định, đánh giá riêng của mình về vấn đề trên.

Các số liệu đều lấy từ bản Báo cáo tài chính hợp nhất Quý IV năm 2011 của hai ngân hàng:

Tổng Tài sản, Huy động vốn, Dư nợ cho vay

ttsdnhd.jpg

Có thể thấy quy mô về Tổng tài sản, dư nợ và huy động vốn của Sacombank lớn hơn Habubank rất nhiều. Trong năm 2011, tăng trường tín dụng của hai ngân hàng này đều âm, cụ thể Habubank có tăng trưởng tín dụng âm 4,57%, Sacombank có tăng trưởng tín dụng âm 2,36%. Về tăng trưởng huy động vốn (tiền gửi của khách hàng) trong năm 2011 của Sacombank âm 4,1%, ngược lại Habubank có tăng trưởng huy động vốn 16,5%.

Tới cuối năm 2011, Sacombank có hơn 19.523 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Tại Habubank, con số này thấp hơn nhiều với hơn 3.383 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.

noxau.jpg

Tổng nợ xấu (Nợ nhóm 3,4,5) năm 2011 của Habubank là hơn 836 tỷ đồng, trong khi đó con số này tại Sacombank là hơn 463 tỷ đồng. Như vậy tỷ lệ nợ xấu của Habubank cao hơn Sacombank rất nhiều. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu cùa Habubank vẫn trong giới hạn cho phép 5%, tuy nhiên tỷ lệ nợ xấu 4,69% của ngân hàng này cao hơn nhiều so với các ngân hàng khác.

Hệ số an toàn vốn (CAR) của Sacombank trong năm 2011 là 11,66%, cao hơn tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu 8%. Ngân hàng này được phân nhóm tín dụng 1, được phép tăng trưởng tín dụng 17% trong năm 2012. Hệ số CAR của Habubank năm 2011 chưa có con số chính thức, trong bản kế hoạch hoạt động ngân hàng này đặt ra chỉ tiêu cao hơn 9,5%. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đánh giá năm 2011 ngân hàng này có tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn mức 9,5% và sẽ thuộc vào phân nhóm tín dụng 3 (được phép tăng trưởng tín dụng 8% trong năm 2012) hoặc nhóm 4 (không được tăng trưởng tín dụng).

dunostb.jpg

Cả hai ngân hàng này có dư nợ phân bổ tập trung vào dư nợ ngắn hạn, tuy nhiên có sự chênh lệch về tỷ lệ. Cụ thể tỷ lệ dư nợ ngắn hạn tại Sacombank là 62,05%, trong khi đó tại Sacombank là 56,8%. Về tỷ lệ dư nợ dài hạn có sự chênh lệch lớn khi tại Habubank có tỷ lệ dư nợ dài hạn lên tới 29,1%, trong khi đó lượng tiền gửi vào các Ngân hàng trong thời gian vừa qua chủ yếu ở kỳ hạn ngắn, đây là điểm yếu của Habubank, có thể ảnh hưởng tới thanh khoản của ngân hàng này.

Lợi nhuận, Doanh thu, ROE, ROA

lndt.jpg
HabubankSacombank
Lợi nhuận ròng năm 20112621.996
Doanh thu năm 20115.80317.864
ROE năm 20115,60%13,72%
ROA năm 20110,63%1,41%
Đơn vị: Tỷ đồng

Lợi nhuận năm 2011 của Habubank giảm mạnh so với năm 2010, khi trong năm 2011 ngân hàng này chỉ đạt 262 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, trong khi đó năm 2010 là hơn 476 tỷ đồng. Ngược lại, lợi nhuận của Sacombank năm 2011 tăng so với năm 2010. Cụ thể năm 2011 ngân hàng này đạt 1.996 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, con số này ở năm 2010 là hơn 1.871 tỷ đồng, tương đương với tăng hơn 125 tỷ đồng.

Qua chỉ số ROE, ROA, một phần nào đó có thể nhận thấy hiệu quả hoạt động của Habubank trong năm 2011 kém hơn Sacombank rất nhiều khi hai chỉ số này của Sacombank cao gần 2,5 lần so với Habubank. Năm 2010, ROA của Habubank là 1,25%, gần gấp đôi năm 2011. Chỉ số ROE năm 2010 của Habubank là hơn 13,48%, cao hơn gấp 2 lần năm 2011. Như vậy có thể thấy rằng hiệu quả kinh doanh của Habubank trong năm 2011 đã giảm sút mạnh so với năm 2010.

Quy mô nhân sự, mạng lưới hoạt động

Một trong những yếu tố mà các tổ chức muốn thau tóm nhau đó là quy mô mạng lưới hoạt động, thị trường hoạt động của đối tượng muốn thâu tóm. Xét về vấn đề này, Habubank kém hơn Sacombank rất nhiều.

 nhansu.jpg
HabubankSacombank
Nhân Viên1.8649.600
Điểm giao dịch74408
Tỉnh có chi nhánh1047
Máy ATM53751

Tất cả các chỉ số về nhân lực, mạng lưới của Sacombank đều cao hơn Habubank rất nhiều. Đây cũng là yếu tố mà nhiều tổ chức muốn thâu tóm Sacombank. Habubank thành lập năm 1989, trong khi đó Sacombank thành lập sau 2 năm – vào năm 1991. Mặc dù thành lập sau, nhưng với quy mô hiện tại có thể nhận thấy tốc độ phát triển của Sacombank là rất nhanh. Hiện tại Sacombank có mặt tại 47/63 tỉnh thành, Habubank khiêm tốn hơn khi chỉ có mặt tại 10 tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt, Sacombank còn có chi nhánh tại Lào và Campuchia.

Cổ phiếu

Thị giá ngày 24/02 của STB là 19.600 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, vốn hóa của Sacombank trên thị trường chứng khoán là gần 18.730 tỷ đồng. Ngoài 100 triệu cổ phiếu quỹ và lượng cổ phiếu phát hành cho Nhân viên thì STB có hơn 955 triệu cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường.

Habubank có thị giá thấp nhất trong nhóm ngân hàng niêm yết khi kết thức phiên giao dịch ngày 24/02, thị giá cổ phiếu HBB của ngân hàng này là 5.200 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa thị trường tương ứng là 2.106 tỷ đồng, chỉ bằng 11,2% so với Sacombank. Nếu có ý định thâu tóm, thì việc thâu tóm Habubank sẽ dễ dàng hơn Sacombank do vốn hóa thị trường thấp hơn rất nhiều. Lượng cổ phiếu lưu hành ngoài thị trường của Habubank là 405 triệu cổ phiếu.

HabubankSacombank
Thị giá (đồng/cổ phiếu)5.20019.600
Vốn hóa (tỷ đồng)2.10618.730
Lượng CP lưu hành (triệu)405Hơn 955

Tổng kết

Qua vài chỉ tiêu tài chính – chứng khoán cũng như mạng lưới hoạt động của hai ngân hàng, có thể thấy mặc dù Sacombank có giá trị thị trường lớn hơn, khó thâu tóm hơn nhưng ngân hàng này hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt ngân hàng này sở hữu một mạng lưới hoạt động rộng khắp, lớn mạnh. Ngược lại, mặc dù dễ thâu tóm hơn nhưng Habubank trong năm 2011 vừa qua hoạt động rất kém hiệu quả. Hoạt động tín dụng của Habubank trong năm 2011 được đánh giá trong nhóm yếu kém với tỷ lệ nợ xấu cao, tỷ lệ an toàn vốn thấp.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, thì tin đồn về việc Vietinbank (MCK:CTG) đang thâu tóm Habubank xuất hiện trên thị trường trong thời gian gần đây là không đúng sự thật. Việc tin vào tin đồn này có thể gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của nhà đầu tư khi bị cuốn vào đà tăng nóng không có cơ sở của cổ phiếu này.
Duy Nguyễn

25 tháng 2, 2012

Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt

Dụng nhân như dụng mộc, phải đi tìm người chứ đừng để người tìm mình, đưa đến chai rượu, phong bì. Loại người này nếu được chọn vào cũng chẳng để làm gì”.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tại cuộc đối thoại. Ảnh: Nam Cường
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh tại cuộc đối thoại. Ảnh: Nam Cường.
Hôm qua, đối thoại trực tiếp với gần 5.000 cán bộ, công chức UBND, Sở, ban, ngành, quận, huyện…, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh (ảnh) nói: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt, chung chi, chỉ cần phấn đấu. Làm cán bộ phải có ý chí và khát vọng, bởi Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.
Tại buổi đối thoại trực tiếp quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh nói: Nhìn chung, các cán bộ sở, ban, ngành, quận, huyện thời gian qua đã làm tốt, đạt một số kết quả khả quan. Nhưng như vậy là chưa đủ để tự mãn, nhất là nằm trong khu vực mà các tỉnh thành lân cận đều bình bình. Đà Nẵng không chấp nhận và cũng không để tình trạng đó kéo dài, phải bứt phá, phải nhìn xa hơn.
Ông Thanh nói Sở Công an dù nức tiếng với thành tích bắt được những tên siêu trộm liên tỉnh, nhưng thử nhìn lại tình trạng trộm cướp, ma túy, mại dâm… thời gian qua. Rồi tai nạn giao thông, xe ben trở thành hung thần, đã giải quyết tốt chưa? “Khi tội phạm tăng thì ngành công an yếu và ngược lại”, ông Thanh khẳng định.
Với Sở TNMT, dù đã nhận danh hiệu thành phố môi trường ASEAN nhưng mấy năm qua loay hoay không xử lý nổi mấy điểm nóng ô nhiễm như âu thuyền Thọ Quang, Phú Lộc, thép Thái Bình Dương, ĐaNa – Ý…, Sở Y tế để tình trạng dịch bệnh tràn lan, kéo dài như hiện nay, rồi tiêu cực trong bệnh viện, lãnh đạo Sở có biết, có hướng xử lý? Tình trạng lạm thu trong nhà trường, dạy thêm học thêm tràn lan, Sở GD&ĐT có dám nói đã hài lòng?
Với các cơ quan như: Sở KHCN, Thanh tra, Sở Công thương, Nội vụ, TAND, VHTT - DL, Thông tin - Truyền thông…, Bí thư Thành ủy cho rằng đều bình bình, chẳng có gì nổi trội, chưa xứng tầm với đòi hỏi phát triển của thành phố.
Hàng ngàn cán bộ ngồi kín cung thể thao Tiên Sơn nghe ông Thanh nói chuyện. Ảnh: Nam Cường
Hàng ngàn cán bộ ngồi kín cung thể thao Tiên Sơn nghe ông Thanh nói chuyện. Ảnh: Nam Cường.
Nhiều khen, ít tự phê, không đối thoại
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên, buổi đối thoại diễn ra sau khi Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011, theo đó, Đà Nẵng sau 3 năm quán quân đã tụt xuống hạng 5. Ông Thanh cho rằng, đó cũng là dịp để lãnh đạo chính quyền nhìn nhận lại thái độ, trách nhiệm đối với doanh nghiệp và thấy những việc chưa làm được để có hướng cải thiện, phấn đấu cho mục tiêu thời gian tới.
“Trong khu vực bình bình nên các đồng chí bắt đầu ỷ lại, tự thỏa mãn. Tôi chưa bao giờ thấy một sự phê bình, tự phê bình gay gắt. Tôi chưa thấy ai nói không hoàn thành nhiệm vụ. Họp hành, đánh giá thấy toàn khen nhau”, ông Thanh nói. Và dù đã hoàn thành rất tốt nhiều chỉ tiêu đề ra, nhưng bộ máy vận hành của UBND thành phố vẫn có vấn đề. Đó là thiếu đối thoại.
Cần phải đối thoại nhiều hơn với dân, với các tầng lớp bằng cái tâm, sự chân thành thì lúc đó mới ra việc, mới hiểu được bản chất vấn đề. Ngoài ra, UBND cũng quá ít họp báo, che giấu thông tin. Khi họp thì phát biểu không chuẩn, xử lý vụ việc lúng túng. “Chính quyền phải mạnh mẽ, không thể như hiện nay”, ông Thanh kết luận.
Nguy hiểm nhất là xa dân
Nói về các giải pháp triển khai Nghị quyết T.Ư 4 tại Đà Nẵng, ông Thanh cho hay, điểm khác của lần này là phê bình, kiểm điểm từ trên xuống. “Nguy hiểm nhất là cán bộ tự thấy mình quan trọng, rời xa dân, quan liêu, thiếu trách nhiệm, bệnh thành tích, tự thỏa mãn, ngại va chạm. Lúc đó, dễ nảy sinh việc lạm dụng quyền lực. Dân mất lòng tin, chính quyền dễ bị đổ”, ông Thanh nói.
"Dụng nhân như dụng mộc, phải đi tìm người chứ đừng để người tìm mình, đưa đến chai rượu, phong bì. Loại người này nếu được chọn vào cũng chẳng để làm gì”. - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Tại Đà Nẵng đã có tình trạng quan liêu, xa dân trong nhiều cán bộ chính quyền, đặc biệt là cán bộ trẻ. “Căn bệnh của cán bộ là tự mình thấy quan trọng với dân, lúc đó nảy sinh chuyện có ăn mới làm, đừng như con cá heo diễn trò, có cho mồi mới diễn hăng say. Phải làm bằng chính cái tâm”, ông nói. Với những cán bộ chủ chốt, ông Thanh cho rằng tìm nhân lực là công việc tối quan trọng.
“Dụng nhân như dụng mộc, phải đi tìm người chứ đừng để người tìm mình, đưa đến chai rượu, phong bì. Loại người này nếu được chọn vào cũng chẳng để làm gì”. Việc đầu tiên là phải làm cán bộ tốt, tận tụy với công việc, không tham vọng, khiêm tốn, ít cá nhân, bởi “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt, chung chi, chỉ cần phấn đấu. Làm cán bộ phải có ý chí và khát vọng, bởi Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.
Trong buổi đối thoại, ông Nguyễn Bá Thanh cũng giao 20 đầu việc cụ thể trong thời gian tới, các sở, ban ngành phải xốc lại tinh thần làm việc để hoàn thành.
Nam Cường

19 tháng 2, 2012

Bà Nguyễn Thanh Phượng được bầu làm Chủ tịch HĐQT VietCapital Bank

(VnNewsPlus) - Bà Nguyễn Thanh Phượng đã chính thức được bổ nhiệm vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Bản Việt - Viet Capital Bank.
Vietcapital Bank
Vietcapital Bank

Bà Nguyễn Thanh Phượng tốt nghiệp Cử nhân Tài chính – Ngân hàng ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, đã hoàn tất chương trình Thạc sỹ Quản trị Tài chính tại Trường Đại học Quốc Gia Geneva, Thụy sỹ. Bà Nguyễn Thanh Phượng còn nắm chức vụ Chủ tịch 3 tổ chức khác là Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt, Công ty Chứng khoán Bản Việt và Công ty Bất động sản Bản Việt.

Sau khi đổi tên từ Ngân hàng TMCP Gia Định (GiaDinhBank) sang Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank), bà Nguyễn Thanh Phượng đã chính thức thay ông Đỗ Duy Hưng đứng vào vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Ông Đỗ Duy Hưng hiện đảm nhiệm vai trò mới là Tổng Giám đốc Ngân hàng này, thay cho ông Lê Trung Việt.

Hiện tại, trong cơ cấu ban lãnh đạo mới của Viet Capital Bank có 3 thành viên là của Công ty Quản lý Quỹ Bản Việt. Bên cạnh bà Phượng còn có ông Tô Hải, thành viên HĐQT và ông Phạm Anh Tú, thành viên Ban Kiểm soát. Ông Tô Hải là Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt, còn ông Phạm Anh Tú là Giám đốc Tài chính Quỹ Bản Việt, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Quỹ Bản Việt.

bà Nguyễn Thanh Phượng
Bà Nguyễn Thanh Phượng

Ngày 3/11/2011, Đại hội đồng Cổ đông bất thường của GiaDinhBank đã thông qua việc tăng vốn điều lệ từ 2.000 lên 3.000 tỷ đồng và đổi tên gọi.

Đến ngày 9/1/2012, GiaDinhBank chính thức thay đổi hệ thống nhận diện thương hiệu với tên gọi mới là Ngân hàng TMCP Bản Việt hay Viet Capital Bank.

Hoạt động sáp nhập này là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất của thị trường tài chính Việt Nam năm vừa qua.
Đào Duy Tính

Quảng Ninh chuẩn bị đón Hội nghị Xúc tiến đầu tư IPA

Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Ninh 2012 sẽ được diễn ra trong 2 ngày 23 và 24/2. Đây là hội nghị quy mô Quốc gia, có hàng trăm đại biểu trong nước và quốc tế tham dự. Để tạo ấn tượng đối với đại biểu tham dự, du khách về hình ảnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh trong những ngày qua TP Hạ Long nỗ lực lập lại trật tự, chỉnh trang bộ mặt đô thị đón Hội nghị Xúc tiến đầu tư.

Ngay từ những ngày đầu tháng 2/2012, UBND TP Hạ Long đã có các văn bản chỉ đạo các ngành, lực lượng chức năng ra quân lập lại trật tự, dọn dẹp vệ sinh, trang trí khánh tiết tạo nên sự ấn tượng cho bộ mặt đô thị của thành phố.

Trên Quốc lộ 18 từ phường Đại Yên cửa ngõ của thành phố cho đến Trung tâm tổ chức hội nghị tỉnh, ngã ba Hoàng Quốc Việt đến khu vui chơi giải trí Thanh Niên, các khác sạn… đều đã được trang trí rất nhiều băng rôn, biểu ngữ. Tại các ngã tư, quảng trường cây xanh được cắt tỉa, trồng mới thêm nhiều loại hoa rực rỡ sắc màu. Ngoài ra, tại các tuyến đường đều được tăng cường hệ thống đèn chiếu sáng, đèn mầu tạo điểm nhấn, sự chú ý của nhân dân, du khách và các đại biểu về dự hội nghị. Đến nay, công tác chỉnh trang đô thị của thành phố đã cơ bản được hoàn tất, tạo một diện mạo mới cho đô thị.
Trên QL18 dẫn vào TP Hạ Long hoa được trồng mới rực rỡ.
Trên đường QL18A dẫn vào thành phố hoa được trồng mới rực rỡ sắc màu.
Đường Hoàng Quốc Việt, phường Hùng Thắng dẫn vào khu di lịch Bãi Cháy được lắp đặt pa nô lớn chào
Đường Hoàng Quốc Việt, phường Hùng Thắng dẫn vào khu du lịch Bãi Cháy được lắp đặt pa nô lớn chào đón Hội nghị xúc tiến đầu tư.
a
Nhiều ngày nay đường Hoàng Quốc Việt được trang trí rất nhiều hoa tạo ấn tượng mạnh đối với du khách.
Công nhân Công ty CP môi trường đô thị tích cực chăm sóc
Công nhân Công ty CP môi trường đô thị tích cực tỉa cây xanh, thảm cỏ.
Dự án vỉa hè và điện chiếu sáng đường Hoàng Quốc Việt đang được nhà thầu lát đá phần vỉa hè.
Dự án vỉa hè và điện chiếu sáng đường Hoàng Quốc Việt đang được nhà thầu gấp rút hoàn thành.
Băng rôn, pa nô tuyên truyền cho Hội nghị xúc tiến đầu tư đã được treo tại nhiều nơi
Băng rôn tuyên truyền cho Hội nghị xúc tiến đầu tư đã được treo tại nhiều tuyến phố.Một băng rôn lớn chào mừng được treo tại cảng tàu du lịch Bãi Cháy.
Một băng rôn lớn chào mừng được treo tại cảng tàu du lịch Bãi Cháy.
Trước cửa khách sạn.
Trước cửa khách sạn.
Bưu điện Hạ Long được treoi pa nô lớn
Ngã ba bưu điện Hạ Long được trang trí khánh tiết ấn tượng.
Hoa được trồng mới tại khu vực Đài tượng niệm.
Hoa được trồng mới tại khu vực Đài tượng niệm.
Hệ thống đèn chiếu sáng được sữa chữa.
Hệ thống đèn chiếu sáng được sữa chữa.
aa
Pa nô lớn tuyên truyền cho hội nghị xúc tiến đầu tư tại ngã năm Kênh Liêm.
Trên đường Nguyễn Văn Cừ
Tại vườn hoa trên đường Nguyễn Văn Cừ.
Trung tâm tổ chức hội nghị tỉnh nơi diễn ra các hoạt động chính đã được trang trí nhiều băng rôn cờ phướn.
Trung tâm tổ chức hội nghị tỉnh nơi diễn ra các hoạt động chính đã được trang trí nhiều băng rôn, cờ phướn.
Đường Trần Hưng Đạo lung linh ánh đèn màu về đêm
Đường Trần Hưng Đạo lung linh ánh đèn màu về đêm.
CTV

18 tháng 2, 2012

VPF: Khi niềm tin bị lung lay

Cuộc chiến bản quyền truyền hình giữa VFF-AVG-VPF vẫn chưa có hồi kết khi VPF đã gửi khiếu nại. Nhưng chính cái lúc cần sự đoàn kết nhất, cần một sự tin cậy lớn lao của người hâm mộ, có vẻ như niềm tin từ mọi phía dành cho VPF đang bắt đầu lung lay.


VPF được ra đời với sự nhất trí của 100% các ông bầu tham dự hội nghị giữa VFF và các ông bầu, cũng không thể quên rằng VPF được ra đời chính là nhờ vào sự ủng hộ rất cao của dư luận. Bởi người hâm mộ mang một niềm tin, VPF sẽ khắc phục được nhiều yếu kém mà trước kia VFF không thể làm được.

Tuy nhiên, nếu nhìn vào những gì VPF đã làm cho nền bóng đá nước nhà thì thật khó để bình luận, khi mà kết quả chỉ gần như một con số không tròn trĩnh.

Nếu như người ta đã rêu rao về việc sẽ xóa bỏ được việc một ông bầu nắm hai đội bóng, hay thưởng quá nhiều tiền sau mỗi trận đấu, hay như việc VPF sẽ khắc phục được việc các đội thờ ơ với cầu thủ trẻ. Nhưng trong những việc mà VPF vạch ra, đã hoàn thành được phần việc nào chưa? Không cần trả lời, có lẽ nhiều người đều đã biết.

Niềm tin mà NHM dành cho VPF đang bị lung lay

Người hâm mộ hy vọng vào một cuộc đấu tranh giành bản quyền truyền hình mang tính hợp pháp nhanh gọn của VPF, giống như nhiều lần "tung đòn" mang tính bí hiểm của Phó Chủ tịch HĐQT VPF Nguyễn Đức Kiên. Nhưng cho đến thời điểm hiện tại, khi đoàn thanh tra đã công bố kết luận cuối cùng. Và nếu lấy kết luận đó làm chuẩn, thì những điều mà VPF làm hoàn toàn dai dẳng và dường như chỉ mang tính kích động.

Không bàn luận tính đúng sai của việc tranh chấp bản quyền truyền hình, cũng như tính đúng sai trong bản kết luận của đoàn thanh tra nhưng nếu cuộc chiến bản quyền truyền hình mà bầu Kiên (đại diện cho VPF) khởi xướng, diễn ra quá dai dẳng trong khi giải đấu vẫn còn rất nhiều mặt hạn chế, thì niềm tin mà người hâm mộ giành cho VPF như lúc Cty này mới ra đời, chắc chắn không còn được nguyên vẹn.

Sẽ có hàng loạt câu hỏi được đặt ra. Liệu đây có phải là một cuộc đấu tranh hoàn toàn hợp pháp? Cuộc tranh chấp bản quyền truyền hình khi nào mới có hồi kết? Những điều hay ý đẹp mà các ông bầu vạch ra đến lúc nào mới trở thành sự thật?

Hay bóng đá Việt Nam sẽ ngập trong những tranh cãi bất tận giống như con đường mà bầu Kiên đã vạch ra (hôm 9/2) nếu như không bằng lòng với kết quả của đoàn thanh tra.

Trong khi mới đây nhất, ba thành viên trong HĐQT VPF (ông Lê Hùng Dũng, bà Đinh Thị Thu Trang, ông Phạm Ngọc Viễn) đã ký vào một văn bản bày tỏ sự không bằng lòng với việc VPF gửi khiếu nại lên Bộ VH-TT-DL và Tổng Thanh tra Chính phủ. Vậy việc VPF đấu tranh trong vấn đề bản quyền truyền hình, được bao nhiêu thành viên trong HĐQT VPF tán thành vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra để những người đang đấu tranh "vì bóng đá Việt Nam" giải đáp. Bởi niềm tin của người hâm mộ đang bị lung lay dữ dội, và chắc chắn nó không còn nguyên vẹn như lúc các ông bầu cho ra đời VPF.

Phạm Mạnh

17 tháng 2, 2012

Giáo dục phải nhìn vào thực tế

Theo GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn, Nền giáo dục vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, và vấn đề “trò nhiều, thầy ít” ngày càng đang cấp thiết.
GSTSKH Nguyễn Xuân Hãn: “Giáo dục phải nhìn vào thực tế”

Nguyên nhân phát triển giáo dục ở VN như hiện nay

Nguyên nhân sâu xa ở đây nó có hai vấn đề: một là mình phát triển giáo dục không nhìn vào thực tiễn nước mình mà chỉ có sao chép ở bên nước ngoài về.

Ví dụ muốn phát triển đại học thì trường đại học, số lượng người học nó ảnh hưởng rất nhiều tiêu chí khác.

Trên thế giới hiện nay có hai tiêu chí: một là dựa vào kinh tế để phát triển, hai là phải dựa vào tiêu chí của các nước tiên tiến. ví dụ nếu dựa vào tiêu chí của các nước tiên tiến thì dưới 15% sinh viên (số người năm trong độ tuổi 18 đến 24) thì người ta gọi là đại học tinh hoa, từ 15% đến 50% là đại chúng, từ 50% trở lên là phổ cập, còn tiêu chí dựa vào kinh tế để phát triển, kinh tế sẽ quyết định quy mô phát triển đại học.

Như Trung Quốc chỉ có 1,4% dân số là sinh viên mà Việt Nam hiện nay đã có 2% dân số là sinh viên. Nước mình dự kiến đến 2015 là 3 triệu sinh viên, 2020 là 4 triệu, là không có một cơ sở thực tiễn gì cả. (số liệu ở trong chiến lược phát triển của bộ giáo dục).
Nguyên nhân tiếp theo là chất lượng giáo dục không tốt, ngay cả thầy giáo cũng thiếu. Nhiều trường ĐH thiếu sinh viên đầu vào, ngay cả trường ĐH lớn ở Hà Nội cũng tuyển thiếu sinh viên, và họ phải tuyển sinh viên vào hệ cao đẳng, và số đó chỉ cần học thêm một thời gian ngắn là có thể lấy được bằng Đại học.
Ba yếu tố cốt lõi tạo nên nền giáo dục
Trên thế giới có ba loại triết lí về giáo dục: một là giáo dục là của dân, do dân và vì dân - của các nước xã hội chủ nghĩa, hai là giáo dục là lợi ích công - đa bộ phận là các nước tư bản, ba là giáo dục là hàng hóa.
Các nước xã hội chủ nghĩa thì giáo dục là của dân do dân là đúng rồi. Còn các nước tư bản thì họ lấy tiêu chí công bằng là chính, công bằng để có điều kiện học tập, không phải là tôi con nhà giàu thì tôi học điều kiện tốt hơn. Giáo dục là hàng hóa, tức lấy giáo dục ra để kinh doanh, thì nó ra đời vào những năm 1994-1995.
Giáo dục cần đủ ba thứ cốt lõi: Một là chương trình ổn định và sách giáo khoa đầy đủ từ phổ thông đến Đại học; thứ hai là đội ngũ giáo viên, giảng viên phù hợp; thứ ba là cơ sở vật chất và ít nhất là diện tích . Ba yếu tố này nó đúng với mọi thời đại, đúng với mọi thể chế. Có thể lấy trong lịch sử từ nước Nhật, nước Mỹ người ta rất lo ba thứ cốt lõi này, vì vậy nếu theo xã hội chủ nghĩa hay tư bản nhưng muốn có giáo dục là phải có ba thứ cốt lõi. Mà rõ rang ở Việt Nam chưa đạt được ba yếu tớ cốt lõi này.
Mô hình giáo dục chuẩn trên thế giới
Phần Lan là nước có hệ thống giáo dục phổ thông tốt nhất. Trong 5 nước tiên tiến thì nước nào cũng tốt, nhưng Nga giảng dạy cơ bản, Đức thì lấy nghề nghiệp làm trọng, Anh thì hiệu quả, Mỹ thì cung cầu. Mô hình hiện nay phải ổn định: một thầy giáo là 5 sinh viên, chứ hiện nay 1 thầy giáo 30 sinh viên, ngành kinh tế còn 60, 70 sinh viên, sách thì không có.
Ở Nga có trường sinh viên chỉ có hai mơ ước một là được gặp hiệu trưởng, hai là bị đuổi ra khỏi trường vì phần lớn thời gian nó học ở trường, và cái trường đấy, sau khi tốt nghiệp thì có một nửa làm luận án tiến sĩ.

Ví dụ như cấp 1 thì 30% học, 70% chơi; cấp 2 thì 50% học, 50% chơi; cấp 3 thì 70% học, 30% chơi còn vào đại học thì 100% học. ĐH là phải học khi còn sung sức.
GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn được cử đi học ĐH ở Liên Xô. Trong hai năm tự học, ông đã thi hết chương trình ĐH năm năm của ĐH Tổng hợp Minsk và ông đã được trường chuyển về Phòng Lý thuyết Viện Liên hợp Hạt nhân Dupna, tiếp tục nghiên cứu để làm luận án PTS và TS.
Ông có 65 công bố khoa học, trong đó gần 50 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, được thưởng Huy chương Vì sự nghiệp Khoa học - Công nghệ, Huy chương Vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp Khuyến học. Năm 1998, ông được Thủ tướng bổ nhiệm là Ủy viên Hội đồng Giáo dục Quốc gia.
Hiện là Ủy viên Thường vụ Hội Vật lý VN, Thư ký Hội đồng Biên tập Tài liệu chuyên khảo để đào tạo cán bộ vật lý, vật lý toán cho bậc đại học, trên đại học; Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Vật lý Ngày nay; giảng dạy và nghiên cứu tại ĐHQG Hà Nội.
Hồ Sỹ Anh (ghi)

3 tháng 2, 2012

Diễn văn kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Phạm Minh Chính

Cập nhật lúc 16:12, Thứ Sáu, 03/02/2012 (GMT+7)
Sáng nay, 3-2, tại Trung tâm tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh long trọng tổ chức kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3-2 (1930-2012) và gặp mặt thế hệ đảng viên lão thành 60 năm tuổi Đảng. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã đọc diễn văn kỷ niệm. Báo Quảng Ninh trân trọng giới thiệu toàn văn diễn văn này.
Kính thưa: - Các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ!
- Các bậc lão thành cách mạng!
- Các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng!
- Thưa toàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, chiến sĩ các LLVT trong tỉnh!
Hôm nay, trong niềm tự hào vô hạn về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, dân tộc anh hùng; chào xuân mới Nhâm Thìn 2012, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh long trọng kỷ niệm lần thứ 82 Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và gặp mặt tri ân các đồng chí đảng viên lão thành trên 60 năm tuổi Đảng. Thay mặt Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ tỉnh, tôi xin gửi tới các bậc lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, các đồng chí thương binh, bệnh binh, Anh hùng các LLVT nhân dân, Anh hùng lao động, các thế hệ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức, chiến sĩ các LLVT và toàn thể nhân dân lời chúc mừng nồng nhiệt và những tình cảm thắm thiết nhất.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi kỷ niệm, gặp mặt.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Ngọc Hà
Kính thưa các đồng chí!
Cách đây 82 năm, ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta. Sự ra đời của Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh dày công chuẩn bị cả về chính trị tư tưởng và tổ chức, là kết quả tất yếu của quá trình kết hợp chủ nghĩa Mác-Lê Nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng nước ta và xu thế của thời đại. Đảng ta ra đời đã chấm dứt thời kỳ bế tắc, khủng hoảng về đường lối cứu nước trong hơn hai phần ba thế kỷ kể từ khi Tổ quốc ta bị đế quốc xâm lược. Như Bác Hồ đã từng nói: “Màu cờ đỏ của Đảng chói lọi như mặt trời mới mọc xé tan màn đêm tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân ta vững bước tiến lên con đường thắng lợi”.
Trải qua chặng đường lịch sử 82 năm xây dựng và trưởng thành với những mốc son chói lọi, bước ngoặt quan trọng, để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử dân tộc, trong lòng dân, trong niềm tin yêu và hy vọng của mỗi người chúng ta đối với Đảng của mình; Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi vĩ đại:
Một là, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 “trời long đất lở”, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - một nhà nước kiểu mới, nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam châu Á, xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến, đưa dân tộc ta tiến vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Hai là, thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Ba là, thắng lợi của công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa, hội nhập, đưa đất nước từng bước quá độ lên CNXH với những nhận thức và tư duy mới đúng đắn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Với những thắng lợi giành được trong hơn tám thập kỷ chiến đấu và chiến thắng vẻ vang, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường XHCN, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Đất nước ta từ một nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển và vững bước trên con đường Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tổng kết: “Công ơn Đảng thật là to. Lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”.
Những thắng lợi có tầm vóc lịch sử của Cách mạng Việt Nam trong quá khứ và những thành tựu của công cuộc đổi mới hiện nay dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, chẳng những là niềm tự hào của toàn dân, toàn Đảng mà còn để lại những ấn tượng sâu sắc, những thiện cảm tốt đẹp trong đánh giá của đồng chí, bạn bè quốc tế, trong lương tâm, ký ức và trong trái tim nhân loại.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đảng viên lão thành tại buổi kỷ niệm, gặp mặt.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đảng viên lão thành tại buổi gặp mặt. Ảnh: Ngọc Hà
Thưa các đồng chí!
Tự hào về sự vĩ đại của Đảng ta trong chặng đường 82 năm qua, chúng ta cũng tự hào về Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã trải qua 82 năm hoạt động lãnh đạo cách mạng vô cùng phong phú. Cùng với cả nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh luôn một lòng đi theo Đảng, sát cánh, kề vai, chung tay, góp sức cùng Đảng bộ tỉnh nhà trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc và đi lên CNXH. Hơn 80 năm xây dựng và trưởng thành, với 13 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã luôn đấu tranh cách mạng kiên cường, lãnh đạo nhân dân các dân tộc tỉnh nhà viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, truyền thống quật cường cách mạng của giai cấp công nhân Vùng mỏ Anh hùng, góp phần xứng đáng cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang trong các giai đoạn cách mạng. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nơi đây là một trong những cái nôi cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam mà đỉnh cao là cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ tháng 11-1936 làm tỏa sáng tinh thần “ kỷ luật và đồng tâm” trường tồn mãi mãi.
Bước vào thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo của T.Ư, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, nâng tầm trí tuệ, vững vàng trước mọi thử thách, kiên định niềm tin sắt đá vào lý tưởng cộng sản, vào tinh thần cách mạng của nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát thực tiễn, đề cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, phát huy sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng; đưa tỉnh Quảng Ninh có bước phát triển vượt bậc, vừa làm tròn sứ mệnh bảo vệ vững chắc phên dậu vùng Đông Bắc thân yêu của Tổ quốc, vừa phát triển kinh tế - xã hội; vừa từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân các dân tộc trong tỉnh: Liên tục hơn 10 năm từ 2000 tăng trưởng kinh tế luôn đạt trên 12%/ năm. Riêng năm 2011 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII với bao khó khăn, thách thức ở trong nước và thế giới; song với sự đồng lòng, quyết tâm đổi mới, vượt qua mọi thách thức để đi lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các LLVT trong tỉnh; kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao 12,1%, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 29.100 tỷ đồng (cao nhất từ trước đến nay), cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế cao so với cả nước; ngày càng thực sự trở thành một địa bàn động lực, cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước ASEAN, là điểm đến hấp dẫn của du khách và các nhà đầu tư. Đặc biệt, tháng 11/2011 Vịnh Hạ Long đã được bạn bè yêu quý trên toàn cầu ngưỡng mộ, tôn vinh và bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đã giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, đối ngoại được mở rộng; công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể quần chúng có sự đổi mới và tiến bộ; hệ thống chính trị ở cơ sở được củng cố vững chắc. Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang ra sức đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã mang lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân.
Phấn khởi, tự hào với thành tựu như vậy, ăn quả phải nhớ người trồng cây, trong không khí kỷ niệm trọng thể này, chúng ta xin tưởng nhớ và đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ và các thế hệ đi trước đã đổ xương máu, công sức để có được Quảng Ninh của ngày hôm nay. Chúng ta tỏ lòng biết ơn sâu nặng đến T.Ư Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở T.Ư, các địa phương bạn đã luôn quan tâm, giúp đỡ; trân trọng và thấm thía hơn công lao của quân và dân các dân tộc Quảng Ninh, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các đồng chí lão thành cách mạng, cựu chiến binh, người cao tuổi, phụ nữ, thanh thiếu nhi; càng thấy rõ hơn công sức, trách nhiệm, quyết tâm chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị.
Văn nghệ chào mừng 82 năm Ngày thành lập Đảng.
Văn nghệ chào mừng 82 năm Ngày thành lập Đảng. Ảnh: Ngọc Hà
Kính thưa các đồng chí!
Có được những thành tựu vĩ đại đó; hơn 8 thập kỷ qua, để làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, Đảng ta luôn thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng ta vĩ đại vì ngoài lợi ích của giai cấp, của nhân dân, của dân tộc, Đảng không có lợi ích gì khác”. Đảng ta đã xác lập, củng cố và ngày càng nâng cao vai trò lãnh đạo, sức mạnh và uy tín của mình chính là bằng phẩm chất, đạo đức cách mạng, bằng bản lĩnh, nghị lực, trí tuệ, lý luận tiên phong, Đảng đã luôn nắm vững, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đề ra đường lối đúng đắn mang lại lợi ích cho nhân dân, cho dân tộc. Được nhân dân hết lòng tin yêu, giáo dưỡng, được lãnh tụ Hồ Chí Minh và các bậc tiền bối dày công tổ chức rèn luyện, đặc biệt là nhờ đội ngũ đảng viên (trong đó có các đảng viên lão thành hôm nay hội tụ về đây) qua các thời kỳ đã không ngừng tu dưỡng, phấn đấu, quyết giữ vững danh hiệu cao quý: Đảng là đạo đức, là văn minh, là thống nhất độc lập, là hoà bình ấm no.
Hiện nay, công tác xây dựng Đảng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trong Đảng có bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, tham nhũng, vô nguyên tắc. Tình hình này có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu do cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các nghị quyết, chỉ thị, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm; nói không đi đôi với làm. Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể.
Vì vậy, Hội nghị T.Ư lần thứ 4 vừa qua đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là sự gặp gỡ đúng lúc giữa yêu cầu cấp thiết của bản thân Đảng và sự mong mỏi cũng như tấm lòng sâu nặng nghĩa tình của nhân dân đối với Đảng với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh. Chỉ đạo, thực hiện phải với tinh thần trách nhiệm cao, quyết tâm chính trị cao và cấp trên, người đứng đầu làm trước và phải thật sự gương mẫu để các cấp noi theo. Đồng thời phải bình tĩnh, tỉnh táo, không nóng vội, cực đoan; không để rơi vào trì trệ, hình thức; không để các thế lực thù địch, những phần tử cơ hội lợi dụng, kích động, xuyên tạc, đả kích gây rối nội bộ. Qua đó phải tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, khắc phục được những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, nhằm xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Bước sang năm 2012, đất nước và tỉnh Quảng Ninh còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, có mặt có thể sẽ gay gắt hơn. Tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn, những kết quả tích cực về phát triển kinh tế- xã hội đã đạt được trong những năm qua, tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, kết luận Hội nghị T.Ư 3 và Nghị quyết T.Ư 4 với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt theo tinh thần: đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, giữa tăng trưởng nóng sang tăng trưởng xanh, tăng nhanh hơn nữa tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế, tạo tiền đề phát triển công nghiệp dịch vụ và giải trí; huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại; tạo bước tiến rõ rệt về thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội; tập trung xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội; quy hoạch đô thị và hạ tầng; quy hoạch sử dụng tài nguyên và đất đai; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015.
Để thực hiện được mục tiêu nhiệm vụ đó, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh phải tập trung thực hiện tốt những nhiệm vụ chủ yếu sau đây:
Một là, tiếp tục xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên với trọng tâm là thực hiện tốt Nghị quyết T.Ư 4 về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay gắn với thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với các nội dung trọng yếu là: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Đây là những nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài phải được thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt, quét nhà, rửa bát hàng ngày bằng nhiều công việc cụ thể, thiết thực trên cơ sở chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng, các quy định của pháp luật; dựa vào sự giám sát, giúp đỡ của nhân dân và đặc biệt là đề cao trách nhiệm, phát huy tính tự giác, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng. Trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp phải nghiêm túc và gương mẫu làm trước, tự phê bình kiểm điểm, nhìn lại mình cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự gột rửa; tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất tiền tài; tránh rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ. Tỉnh ủy và các cấp ủy trong toàn tỉnh dứt khoát phải tập trung đề ra chương trình hành động, kế hoạch cụ thể, phù hợp, sát thực để thực hiện quyết liệt; tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao trách nhiệm thiết thân, hệ trọng để thực hiện nghiêm túc.
Hai là: Giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội, ổn định chính trị, không để hình thành tổ chức đối lập và xảy ra tình huống bất ngờ, đột xuất về an ninh biên giới; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Trọng tâm là xây dựng mô hình phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo vệ vững chắc quốc phòng an ninh khu vực biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc của tỉnh để báo cáo Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chỉ đạo. Kiên quyết lập lại và duy trì trật tự trong hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến kinh doanh than; đẩy lùi và kiềm chế tai nạn giao thông. Tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật nhất là giao thông, điện, nước khu vực biên giới, biển đảo.
Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử vì nhân dân và phục vụ doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa trong thu hút đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, chống phiền hà, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ. Triển khai quyết liệt, thực hiện có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài nguyên khoáng sản; đất đai, chi tiêu ngân sách, xây dựng cơ bản, giao đất giao rừng…
Bốn là: Đổi mới căn bản công tác đào tạo nhằm phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; nâng cao hiệu quả ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ; tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường đặc biệt là đối với Vịnh Hạ Long, TX Cẩm Phả. Tập trung triển khai xây dựng một số quy hoạch chiến lược, tạo bước đổi mới căn bản trong công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch.
Năm là: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mang tính động lực nhằm phát huy tối đa lợi thế của các vùng và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng lấy người nông dân làm chủ thể, ưu tiên phát triển sản xuất ở nông thôn…
Sáu là: Tập trung giải quyết tốt những vấn đề bức xúc của nhân dân, phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Nhân dịp đầu xuân năm mới, tôi xin thay mặt các cấp ủy đảng, chính quyền kính chúc các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội, Anh hùng LLVT nhân dân, Anh hùng lao động cùng toàn thể đồng bào, đồng chí, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các LLVT, các bạn thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng trong tỉnh và người Quảng Ninh đang định cư ở nước ngoài dồi dào sức khỏe, hạnh phúc trong cuộc sống và thành công trong công tác.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí!